Hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam hướng tới thị trường kinh doanh tín chỉ Cac-bon
- Details
- Đăng ngày 12/06/2015 Lượt xem: 1561
Nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, hạn chế mức phát thải khí nhà kính vào khí quyển, Việt Nam đã phê chuẩn “Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” (UNFCCC). Theo quy định, các nước phát triển phải thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong khi các nước đang phát triển như Việt Nam hiện chưa phải thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, trong Kế hoạch hành động Bali (tháng 12/2007) đã kêu gọi các nước đang phát triển xây dựng “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia - NAMA". Một trong những cách thức thực hiện NAMA là NAMA tạo tín chỉ, đây là các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển chuyển thành các tín chỉ các-bon để mua bán, trao đổi trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ảnh: Hoàng Minh
Tại Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC lần thứ 18 tại Doha - Qatar (tháng 12/2012), các Bên đã thống nhất yêu cầu các Bên thuộc Phụ lục I của UNFCCC phải đưa ra các cam kết cắt giảm và hạn chế phát thải khí nhà kính định lượng thay cho các mục tiêu cắt giảm và hạn chế phát thải khí nhà kính định lượng trước đây để cắt giảm ít nhất 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính dưới mức năm 1990 trong thời kỳ từ năm 2013 đến năm 2020, đồng thời các nước đang phát triển cũng phải đưa ra và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Với sự nỗ lực, chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mặt khác, khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận quốc tế mới mang tính ràng buộc pháp lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ kéo theo việc xuất hiện nhu cầu về mua bán/trao đổi tín chỉ các-bon trong nước, do đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg với mục tiêu là quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.
Việc triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon, hướng tới việc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế, đặc biệt là khi một Thỏa thuận toàn cầu mới có hiệu lực với tất cả các quốc gia, bao gồm các nước đang phát triển như Việt Nam vào năm 2020 là rất cần thiết. Do đó, kể từ sau Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC lần thứ 18 tại Doha - Qatar, nhiều đối tác phát triển đã có sự hợp tác với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam để cùng xây dựng và thực hiện NAMA, hình thành và phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon của các nước trên thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ 10 của Đại Hội đồng Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon” tổ chức tháng 11/2014 tại Santiago, Chi-lê, Đoàn công tác của Việt Nam đã bảo vệ thành công đề xuất dự án “Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam” (Dự án VNPMR) với sự đồng thuận tuyệt đối của đại diện 32 quốc gia tham dự. Điểm nổi bật được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao là việc tiên phong đi đầu và sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ mái nhà chung của nhân loại.
Hội nghị lần thứ 11 của Đại Hội đồng Chương trình PMR tổ chức vào tháng 3/2015 tại London, Vương quốc Anh với sự tham gia của đại diện 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thảo luận về quy định mua bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính đã vận hành trong khuôn khổ của dự án PMR cũng như trao đổi về việc thí điểm triển khai hệ thống thương mại tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc; quy định mức phát thải cho một số ngành như sản xuất thép ở Thái Lan, sản xuất điện ở Ấn Độ, trao đổi về các phương thức vận hành thị trường nội địa mua bán chứng chỉ giảm phát thải, kết quả triển khai dự án PMR ở các quốc gia, theo đó các quốc gia triển khai dự án phải báo cáo ít nhất một năm một lần cho Ban Thư ký PMR. Tại đây, Đoàn công tác của Việt Nam đã cập nhật tiến độ xây dựng dự án VNPMR kể từ khi Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam chính thức có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan về việc hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án VNPMR.
Hội nghị lần thứ 12 của Đại Hội đồng Chương trình PMR tổ chức vào tháng 5/2015 tại Barcelona, Tây Ba Nha với sự tham gia của đại diện 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thảo luận và cập nhật tình hình triển khai dự án PMR ở các quốc gia được nhận tài trợ. Tính đến thời điểm này đã có 17 quốc gia đã nhận được cam kết tài trợ từ Chương trình PMR quốc tế, trong đó 13 quốc gia đã hoàn thiện đề xuất dự án PMR, bao gồm: Brazil, Chi Lê, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Mexico, Ma rốc, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận việc xây dựng và vận hành một Quỹ tài chính dự kiến khoảng 1 tỷ USD để mua lại tín chỉ giảm phát thải từ các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính có khả năng tạo tín chỉ và đáp ứng các yêu cầu về đo đạc, báo cáo, thẩm tra, đồng thời ưu tiên đối với các dự án thí điểm tạo tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Chương trình PMR. Tại Hội nghị này, Đoàn công tác của Việt Nam đã thông báo về tiến độ xây dựng và đệ trình đề cương dự án VNPMR. Dự kiến dự án VNPMR triển khai trong 3 năm, bắt đầu từ Quý III/2015.
Triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam” là cơ hội tốt để tiếp tục tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, đồng thời hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.
Theo Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
Bộ Tài nguyên và Môi trường