Chuyển đổi số là cơ hội để đại học bứt phá
- Details
- Đăng ngày 04/01/2021 Lượt xem: 8985
Chúng ta hãy chọn cho mình một niềm tin đúng và đi đến tận cùng để xây lên những ĐH xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Vì ĐH xuất sắc, vì giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS), mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, ĐH mới thay thế ĐH cũ. Mỗi cuộc CMCN sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số ĐH bứt phá vươn lên thành ĐH hàng đầu. Số ít đó là các nước, các ĐH dám đi đầu và đi nhanh thần tốc.
Thời của phá vỡ, làm ngược
Cuộc CMCN lần thứ 4 này có thể gọi là thông minh hóa, thay đổi phương thức, mô hình là chính, nó giải phóng cách chúng ta nghĩ về công việc và cuộc sống, về cách chúng ta sẽ sống và làm việc. Nó là một cuộc cách mạng về thể chế, khi mà công nghệ đã sẵn sàng và đang đợi những thay đổi thể chế. Công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người thì rất rẻ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, gần như bằng không. Bởi vậy mà câu chuyện chính của cuộc CMCN lần thứ 4, của CĐS là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không, có "máu lửa" hay không, chứ không phải là chúng ta có khả năng hay không.
Nếu nói đến đột phá trong việc học ĐH thì chung quy về hai chữ "làm ngược". Cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả và hiệu quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá. Cơ hội cho những người đi sau nhưng không phải cho những người đi sau đi theo cách của người đi trước. Vì đi theo cách này thì sẽ mãi mãi là người đi sau. Những công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các ĐH đi trước.
Cuộc CMCN lần thứ 4 đi liền với từ "disruptive" - tức là phá hủy các mô hình cũ. Sự phá hủy mang tính sáng tạo. Người có quá nhiều quá khứ hoành tráng sẽ không có đủ can đảm để phá hủy. Và thực ra, họ cũng không có nhu cầu thay đổi vì họ đang no ấm trong cái cũ. Những ai không có gì hay có rất ít thứ trong tay, đang đói khát và khó khăn thì cơ hội lại nhiều hơn, sự thúc đẩy lại mạnh mẽ hơn. Cuộc CMCN lần thứ 4 và CĐS tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược.
Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. ẢNh: Minh Thu
Cơ hội cho những người tiên phong
Những thay đổi trên và nhiều thay đổi khác nữa có thể thực hiện rất nhanh thông qua CĐS giáo dục. Chương trình CĐS quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đã đặt CĐS giáo dục lên vị trí ưu tiên cao nhất. CĐS giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nhất là ĐH và dạy nghề, có lẽ là con đường đúng nhất và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Tiểu ban Phát triển nhân lực thuộc Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp sáng 3-12, với sự tham gia của gần 50 đại biểu là các nhà chuyên môn và quản lý hàng đầu trong và ngoài nước của Việt Nam đã bàn bạc kỹ, thống nhất cao và đề xuất chọn CĐS là khâu đột phá ngành GD-ĐT, nhất là ĐH và dạy nghề, để ngành GD-ĐT Việt Nam bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng, vào nhóm hàng đầu, sánh vai các cường quốc năm châu về GD-ĐT.
CĐS thì đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất. Ngành GD-ĐT cần có một nghị quyết của ban cán sự bộ và một đề án của bộ trưởng về CĐS trong GD-ĐT. Tiếp theo là sự thay đổi một số thể chế về phương thức và mô hình dạy và học. Cái này thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Công cụ để thực hiện CĐS là các nền tảng (platforms). Cái này thì các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể làm được.
CĐS là lên online, tất cả lên online. Nhưng vì lên online mà nhiều cái cũ phải thay đổi cho phù hợp môi trường mới và nhiều cái mới sẽ xuất hiện trên môi trường mới. Cái cũ nào phải thay đổi và cái mới nào xuất hiện sẽ là không gian sáng tạo vô cùng to lớn cho người trong cuộc, tức là những người đi tiên phong trong CĐS. Và cơ hội chỉ đến cho những người tiên phong này!
Ngành GD-ĐT đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng, đó là các platforms. Và không chỉ là thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.
Đại học phải trở thành "môi trường số"
Mục tiêu của CĐS ĐH là nâng cao chất lượng đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. CĐS đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. CĐS ĐH thì việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ trường ĐH thành một "quốc gia số" thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của ĐH, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số, đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất.
Về đào tạo lại và đào tạo nâng cao, cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ làm nhiều nghề biến mất và cũng tạo ra nhiều nghề mới, hầu hết các nghề khác không biến mất nhưng yêu cầu kỹ năng mới. Vì vậy, việc học nghề mới, việc học kỹ năng mới là nhu cầu rất lớn của xã hội và là nhu cầu thường xuyên. Trong xã hội tương lai, việc học sẽ là nhu cầu cả đời của mỗi người. ĐH phải giải quyết nhu cầu này. Nhu cầu này không kém gì nhu cầu học ĐH nhưng là một thị trường to lớn hơn rất nhiều. Để đáp ứng nhanh, cả về nội dung và người dạy, thì không gì bằng các nền tảng, đó có thể là các khóa học trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hóa cho nhiều đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả những khóa học cơ bản, góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xóa mù công nghệ cho vùng sâu, vùng xa.
Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Nếu nhìn theo góc này thì ĐH ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một trường ĐH truyền thống. Thực sự, ĐH sẽ là một công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhưng ĐH sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình nên các nền tảng. Một ĐH số có lẽ đã đủ điều kiện để cho thí điểm.
Chiến lược nhiều khi chỉ là một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác, một mô hình vận hành khác. Làm tốt, làm xuất sắc một cái, một số cái thì có thể đã có một ĐH xuất sắc. Với điều kiện, cái đó phải là khác biệt đúng. Những góc nhìn ngày hôm nay là gợi mở cho ĐH, cho ngành GD-ĐT. Một chiến lược tốt thì đầu tiên phải khả thi, dễ làm. Nhưng lại có một yêu cầu rất cao là phải có niềm tin. Vì chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta làm đến nơi, đi đến cùng. Chỉ có như vậy thì mới thành công.
Cam kết đồng hành Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang này. Bởi vì, CĐS đầu tiên là nhắm vào giới trẻ, để từ đó thúc đẩy toàn xã hội. Những việc về công nghệ số, về xây dựng các nền tảng cho CĐS ngành GD-ĐT thì Bộ GD-ĐT có thể giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc 5 năm thì hãy giao 1 năm. Vì bây giờ, việc khó thì dễ làm vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ thì khó làm vì làm theo cách cũ. |
Dạy học ĐH thay đổi thế nào? Trước đây, đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng. Bây giờ, chuẩn đầu ra là quan trọng, việc học thế nào thì sinh viên có thể tự lo. Có vẻ như là dạy bằng cách không dạy, mà định hướng thôi và làm chặt tiêu chuẩn đầu ra. Và vì thế, việc dạy và việc học có thể dễ đi. Trước đây, ĐH so với chính mình. Bây giờ, ĐH phải so với các ĐH khác. Vì thế, việc ban hành bộ tiêu chí và đo đạc, so sánh, đánh giá và công bố là quan trọng. Cái gì không đo được thì không quản lý được và không thúc đẩy được. Trước đây, học cái đã có trong sách giáo khoa. Bây giờ, học cả cái chưa có trong sách giáo khoa. Vì thế, ĐH huy động được nhiều hơn những người không phải giáo viên chính thức vào giảng dạy. Trước đây, giáo viên là thầy. Bây giờ, giáo viên là huấn luyện viên, sinh viên làm là chính. Kết quả là trò giỏi hơn thầy. Trước đây, học cách giải quyết vấn đề là chính. Bây giờ, học cách tìm ra vấn đề là chính. Từ đó, việc dạy và việc học cũng thú vị hơn, hữu ích nhiều hơn cho cả người học và người dạy. Bây giờ là reskill, là upskill, là học cả đời thì việc học trong trường có thể rút ngắn đi. |
Theo Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)