Giông lốc ở thành phố lớn hơn ở nông thôn
- Details
- Đăng ngày 16/06/2015 Lượt xem: 3405
Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Mỹ đã chỉ ra rằng, vào mùa hè, các cơn giông nhiệt ở khu vực thành phố thường mạnh và lớn hơn ở khu vực nông thôn.
Nguyên nhân được chỉ ra, do hiệu ứng đô thị. Cụ thể, khu vực thành phố mật độ nhà cao tầng dày, bê tông hóa lớn nên hấp thu nhiệt tạo dòng đối lưu mạnh hơn. Trong khi đó, khu vực nông thôn, ít dân cư, mật độ nhà cao tầng ít thì sự hấp thu nhiệt thấp hơn. Bằng chứng về mùa hè, khu vực thành thị thường có nền nhiệt độ cao hơn từ 2-3 độ so với khu vực nông thôn.
Ngay sau khi xảy ra cơn giông bất thường, không ít người đã băn khoăn về việc dự báo yếu, trả lời về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết trên An Ninh Thủ Đô rằng đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông lốc chỉ có thể cảnh báo mà khó có thể đưa ra dự báo.
Thời gian cảnh báo trước thời điểm giông lốc, mưa đá xảy ra chỉ khoảng 30 phút đến 3 tiếng. Bên cạnh đó, cũng khó để dự báo về cường độ của giông lốc vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường tại nơi xảy ra như mật độ nhà cao tầng, tỷ lệ bê tông hóa,…
Giông lốc hình thành như thế nào
Giông lốc hình thành do hiện tượng đối lưu rất mạnh trong không khí gây ra, có thể đi kèm sấm chớp hoặc lốc xoáy, mưa đá, với gió giật từ 92 km/h trở lên – Báo Điện tử VnExpress dẫn nguồn tin nước ngoài cho biết.
Hai cơn lốc xoáy cuốn vào nhau ở Simla hồi đầu tháng 6. Ảnh: USA Today
Theo NSSL, văn phòng nghiên cứu giông lốc thuộc Cơ quan Hải dương & Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), giông là hiện tượng mưa to kèm sấm chớp, do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Đối lưu hình thành khi mặt đất nóng lên do hấp thu nhiều bức xạ Mặt Trời làm các luồng không khí nóng ẩm bốc lên cao, giao với luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn tràn xuống phía dưới.
Một cơn giông trải qua ba giai đoạn là khởi phát, chín muồi và suy tàn. Ở giai đoạn khởi phát, hiện tượng đối lưu tạo nên những đám mây tích, trông như những cột tháp cuộn lên trên, có thể không mưa và đi kèm sét.
Ở giai đoạn chín muồi, mây tích tiếp tục phát triển, xuất hiện cột tháp đẩy không khí xuống dưới, mưa bắt đầu rơi. Giai đoạn này có thể xuất hiện mưa đá, mưa rào, thường có sấm sét, gió mạnh và lốc xoáy. Cuối cùng, ở giai đoạn suy tàn, hơi nước trong các cụm mây vơi dần, mưa nhẹ hạt hơn, nhưng vẫn có thể có sét.
Các giai đoạn hình thành cơn giông. Đồ họa: NSSL
Một cơn "siêu giông" là khi nó xảy ra đi kèm mưa đá, hoặc gió giật với vận tốc 92 km/h hay lốc xoáy. Trên thế giới, ước tính có khoảng 16 triệu cơn giông lốc mỗi năm. Lúc nào cũng có khoảng 2.000 cơn giông đang hình thành.
Có khoảng 100.000 cơn giông xảy ra mỗi năm ở Mỹ, 10% trong số đó là siêu giông. Giông thường xảy ra vào các tháng mùa xuân và mùa hè, vào chiều tối, tuy nhiên, chúng cũng có thể xảy ra quanh năm, vào bất cứ thời gian nào.
Ở Mỹ, giông lốc và mưa rào xuất hiện tại nhiều địa phương từ đầu tháng 6. Theo USA Today, nhiếp ảnh gia Kelly Delay chụp lại cơn siêu giông xuất hiện ở Simla, bang Colorado hôm 4/6/2015, với hai cơn lốc xoáy cuốn vào nhau.
AP cho biết có ít nhất 8 cơn lốc xoáy đi qua Colorado hôm đó, phá hủy và làm hư hỏng nhiều căn nhà. Còn tại bang Missouri và Illinois, một cơn siêu giông quét qua hôm 13/6 với sức gió gần 180 km/h, cuốn đổ nhiều cây cối, nhà cửa.
Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn