Tiến sĩ Harvard trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020
- Details
- Đăng ngày 28/12/2020 Lượt xem: 34692
(NLĐO)- GS Lê Anh Vinh, phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Đại học Harvard trở thành giáo sư trẻ nhất năm 2020
Bộ GD-ĐT ngày 27-12 cho biết Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) đã ký Quyết định số 66/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với 339 nhà giáo. Theo đó, năm 2020 có 39 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và 300 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư (PGS).
Tiến sĩ Đại học Harvard trở thành GS trẻ nhất năm 2020
GS Lê Anh Vinh, phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Đại học Harvard, trở thành GS trẻ nhất năm 2020.
GS Lê Anh Vinh sinh năm 1983, là cựu học sinh chuyên toán Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, từng giành Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2001. Năm 2010, GS Vinh nhận bằng Tiến sĩ của ĐH Harvard (Mỹ). Năm 2013, ông là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh PGS khi 30 tuổi. Năm 2017, ông Lê Anh Vinh được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (trực thuộc Bộ GD-ĐT). Từ 1-11-2020, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Bốn PGS trẻ nhất năm nay (cùng 33 tuổi) là PGS Phạm Chiến Thắng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành Hoá học - Công nghệ thực phẩm; PGS Võ Hoàng Hưng, PGS Lê Minh Triết (ĐH Sài Gòn) - ngành Toán học và PGS Trần Đức Học (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM) - ngành Xây dựng - Kiến trúc.
Báo cáo của Văn phòng HĐGSNN cho hay năm 2020, 87 HĐGS cơ sở có ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với 542 hồ sơ ứng viên, trong đó 77 hồ sơ ứng viên GS, 465 hồ sơ ứng viên PGS.
Sau khi xét tại các Hội đồng cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành, kết quả đề nghị xét tại HĐGSNN là 357 ứng viên, trong đó có 40 ứng viên GS, 317 ứng viên PGS. Văn phòng HĐGSNN đã phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT và Thường trực các HĐGS ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát minh chứng của toàn bộ hồ sơ ứng viên, báo cáo Thường trực HĐGSNN trước khi trình HĐGSNN xét và công nhận.
Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng GSNN nhiệm kỳ 2018-2023 Phùng Xuân Nhạ chủ trì phiên họp tiến hành bỏ phiếu ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020. Ảnh: Bộ GD-ĐT
Sau rà soát, số ứng viên chính thức được xét tại Hội đồng GS nhà nước là 343 ứng viên, trong đó có 39 ứng viên GS và 304 ứng viên PGS.
Tiếp đó, Hội đồng GS nhà nước đã dành một ngày thảo luận công khai hồ sơ từng ứng viên, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu đối với kết quả xét của Hội đồng GS ngành, liên ngành và danh sách ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Kết quả số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 339 ứng viên, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 62,55% (trong đó tỷ lệ đạt của ứng viên GS là 50,65%, ứng viên PGS là 64,52%).
Chủ tịch HĐGSNN đã ký Quyết định số 66/QĐ-HĐGSNN ngày 23-12-2020 công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với 339 nhà giáo.
Theo Yến Anh