60% cơ sở cung ứng thuốc đã liên thông dữ liệu điện tử
- Details
- Đăng ngày 14/08/2020 Lượt xem: 2382
(Chinhphu.vn) – Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý dược đã triển khai kết nối mạng các nhà thuốc trên toàn quốc, hoàn thành kết nối 63/63 tỉnh, thành, gần 100% trên tổng số 60.724 cơ sở cung ứng thuốc đã có phần mềm, 60% đã liên thông dữ liệu.
Lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược. Ảnh" VGP/Vương Tuấn
Hệ thống đã quản lý hơn 7,2 triệu đơn thuốc, 26,7 triệu hóa đơn bán hàng, gần 4 triệu phiếu xuất nhập kho.
“Hiện tại, việc triển khai kết nối, liên thông các cơ sở cung ứng thuốc đã cơ bản đảm bảo theo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao và đang từng bước đi vào quy củ”, lãnh đạo Cục Quản lý dược cho biết.
Việc triển khai kết nối, liên liên thông các cơ sở cung ứng thuốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý giá thuốc và tăng cường kiểm soát kê đơn, bán thuốc kê đơn trên cả nước.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, tới thời điểm này, toàn bộ mã định danh cho từng loại thuốc cũng đã hoàn thiện trên hệ thống phần mềm và trở thành khối dữ liệu cơ bản, nền tảng của Cục Quản lý Dược cũng như là khối dữ liệu dùng chung cho toàn ngành y tế trong quá trình chuyển đổi số. Hiện có 23.500 thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực và trong đó có 100% là thuốc kê đơn đã được cấp mã định danh.
Về vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, đơn vị đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề và kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược (340 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 4.079 cơ sở bán buôn, 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc) và 115.080 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc. Cục Quản lý dược đã quản lý được quy mô của hệ thống sản xuất, kinh doanh dược trên toàn quốc và có đầy đủ thông tin của các cơ sở nhập khẩu, đăng ký thuốc.
Ông Vũ Tuấn Cường cũng chia sẻ mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số của ngành dược đến năm 2023 là số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, 100% các hệ thống thông tin ngành dược có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng thích hợp, chia sẻ; duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Cũng tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel (đơn vị triển khai về công nghệ) chia sẻ, sự kiện hôm nay cho thấy Cục Quản lý dược, Bộ Y tế sẵn sàng thay đổi từ môi trường thủ công sang môi trường số. Viettel luôn sẵn sàng về công nghệ để đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên việc áp dụng thành công hay không thì không chỉ có nguyên nhân do công nghệ mà phần lớn quyết định thành công là do nhận thức và sự quyết tâm chính trị của đơn vị, của người đứng đầu đơn vị thực hiện chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số phải là nền tảng văn hóa của mỗi tổ chức, mà nền văn hóa đó phải tồn tại bền vững”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.
Theo Thúy Hà