Lập bản đồ nhà máy, làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm
- Details
- Đăng ngày 20/07/2020 Lượt xem: 3393
(Chinhphu.vn) - Bản đồ cung cấp những thông tin cơ bản (vị trí, công suất, quy mô…) của một số ngành công nghiệp và làng nghề vốn được xem là một trong những nguồn thải ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí từ Bắc vào Nam.
Bản đồ dữ liệu các nhà máy và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm không khí
tại Việt Nam do VCAP thực hiện
Theo báo Khoa học và Phát triển, bản đồ được xây dựng bởi Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) trên nền tảng đánh dấu trên Google Map, bao gồm các dữ liệu công khai từ trước đến nay về các nhà máy nhiệt điện than (29 nhà máy), nhà máy thép (36 nhà máy), nhà máy xi măng (62 nhà máy) và làng nghề tái chế (21 làng nghề).
Khi ấn vào vị trí từng nhà máy, trên bản đồ sẽ hiện ra các nội dung gồm: Tên, đơn vị chủ quản, năm hoạt động, vị trí, sản phẩm và công suất hằng năm (nếu có).
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết sở dĩ họ chọn lập hồ sơ thông tin về những nhà máy thuộc lĩnh vực xi măng, thép hay điện than bởi những ngành đó có thể tạo ra tới 80% khí thải trong ngành sản xuất.
Theo ông, bản đồ này giúp các bên liên quan có cái nhìn trực quan hơn để thấy sức ép lên môi trường không khí tại những vùng tập trung các nhà máy. Chẳng hạn, trong quy hoạch sản xuất, chúng ta sẽ phải rất cẩn thận khi xây thêm nhà máy ở những khu vực “điểm nóng”, nếu không sẽ không thể tránh khỏi tình trạng ô nhiễm không khí.
Những cái tên được kể ra trong bản đồ gần như đã bao gồm tất cả nhà máy thuộc 3 ngành công nghiệp kể trên, trong khi làng nghề thì còn chưa đầy đủ, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ thêm.
Tuy vậy, hiện nay trên bản đồ không có thông tin cụ thể về lượng phát thải ước tính hoặc thực tế của từng nhà máy, làng nghề, mà chỉ có công suất sản xuất. Việc phát thải phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống thiết kế, mức độ công nghệ và quy trình quản lý tại từng nhà máy.
Bản đồ này đã được đề cập trên bản tin không khí sạch tháng 7/2020 của dự án Không khí sạch- Thành phố xanh được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thực hiện bởi Mạng lưới Thế hệ xanh, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn).
Theo BT