Nhiều giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc
- Details
- Đăng ngày 17/07/2020 Lượt xem: 3282
(Chinhphu.vn) - Chương trình Tây Bắc vừa cung cấp các giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) có tính vĩ mô gắn với bài toán chung của toàn vùng, liên vùng và tiểu vùng, vừa tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của một số địa phương vùng Tây Bắc.
Vùng Tây Bắc có tiềm năng, lợi thế để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó khoảng 63% là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dù có vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng to lớn và đa dạng nhưng Tây Bắc vẫn là vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ và thường xuyên chịu tác động của tai biến, thiên tai. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các nguồn lực phát triển bền vững của vùng Tây Bắc chưa thực sự được khơi dậy và phát huy đúng mức, có hiệu quả, trong đó có nguồn lực khoa học và công nghệ.
Xuất phát từ các thực tiễn trên, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp nhà nước "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) nhằm thực hiện các nghiên cứu tổng hợp, liên ngành để cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng Tây Bắc.
Đây là Chương trình KH&CN cấp nhà nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực và liên vùng rất cao. Năm 2020, Chương trình Tây Bắc đã hoàn thành giai đoạn một.
Từ năm 2013 đến nay, Chương trình Tây Bắc đã được triển khai với tính hướng đích và tính ứng dụng cao, nhằm thiết thực giải quyết có hiệu quả cao các vấn đề cấp bách, phức tạp đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của vùng và các tiểu vùng.
Trong giai đoạn 2013-2020, Chương trình Tây Bắc đã hoàn thành 58 đề tài và 3 dự án cho bốn nhóm mục tiêu, hướng tới phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây là một trong những dự án của Chương trình Tây Bắc.
Các đề tài và dự án đã tập trung vào các mục tiêu: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế-xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Tây Bắc.
Việc triển khai các đề tài thu hút được sự quan tâm, tham gia và phát huy được đóng góp của các nhà khoa học đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu mạnh trong và ngoài ĐHQGHN.
Các nhiệm vụ phê duyệt thực hiện từ năm 2015 đến nay đã tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược, y tế, chế tạo, giáo dục và đào tạo, trong đó có các dự án sản xuất thử nghiệm (nhân trồng, phát triển cây Macca; thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây; nông nghiệp nông nghệ cao – điện mặt trời phục vụ phát triển nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái…).
ĐHQGHN cho biết, 100% các nhiệm vụ triển khai trong Chương trình Tây Bắc đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương.
Các hoạt động của Chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, được các địa phương đánh giá cao và mong muốn hợp tác sâu rộng với Chương trình cũng như ĐHQGHN.
Chương trình cũng đã đạt được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng; phát triển giáo dục-đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phát triển văn hóa-xã hội, phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Các kết quả nghiên cứu của Chương trình được tách chiết để chuyển giao các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương; báo cáo khuyến nghị; các mô hình ứng dụng thực tế tại các địa phương, doanh nghiệp...
Kết quả nghiên cứu của Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, đưa KH&CN vào để góp phần thay đổi và phát triển đời sống xã hội của vùng Tây Bắc.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết, trong quá trình thực hiện, việc phối hợp giữa ĐHQGHN, Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các sở, ngành địa phương khá hiệu quả. Việc lựa chọn nội dung nghiên cứu được ĐHQGHN xác định trên cơ sở đề xuất từ các địa phương trong vùng. Vì vậy, khi được triển khai ứng dụng ở các địa phương sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn. Việc chuyển giao ứng dụng đã được xác định rõ trong mục tiêu của Chương trình và đây cũng là mong muốn chung của những nhà khoa học và nhà quản lý, với quan điểm tất cả vì Tây Bắc phát triển bền vững.
Theo Nhật Nam