Phòng, chống thiên tai bằng khoa học công nghệ


(Chinhphu.vn) – Các nhà khoa học đã cùng chia sẻ thông tin về ứng dụng khoa học công nghệ giảm nhẹ rủ ro thiên tai, giới thiệu những mô hình cảnh báo, phòng chống thiên tại hiệu quả… tại diễn đàn “Khoa học công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai” do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 22/11.


Mô phỏng mây trong bão trên biển Đông

Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Nguyễn Đình Công, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn.

Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1 - 1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm tới, Việt Nam có nhiều cơ hội đối mặt với rủi ro thiên tai, thiệt hại dự báo chiếm 2,7% GDP và 39 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đình Công cho biết, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc, đánh giá, xác định cấp độ rủi ro thiên tai, báo tin động đất, dự báo, cảnh báo sóng thần. Trong nhiều năm qua, các đơn vị trực thuộc khối các khoa học trái đất, khoa học biển, khối các khoa học toán – cơ – tin đã có nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai trên toàn lãnh thổ Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ… trong công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được thực hiện thông qua các mô hình số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, trượt lở, lũ quét; hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được sử lý qua hệ thống IoT, big data… để người dùng dễ dàng cập nhật với mục tiêu phòng tránh. Bên cạnh đó đã có rất nhiều các nghiên cứu về công nghệ nhằm phòng chống thiên tai như hệ thống kè chống sạt lở, đê chắn sóng, các công trình chống xói lở ven biển, ven sông…

Ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới. Tại diễn đàn nhiều công nghệ về phòng chống thiên tai đã được chia sẻ như: Cảnh báo sớm động đất, sóng thần; ứng dụng đồng hóa dữ liệu vệ tinh Himawari nghiên cứu và dự báo mưa lớn bằng mô hình số; cài đặt phần mềm Telemac phục vụ nghiên cứu xói lở sông Vàm Nao; áp dụng đa phương tiện xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tai biến lũ quét chi tiết đến cấp xã ở vùng núi, thử nghiệm ở 3 huyện Tây Bắc; đánh giá an toàn đập vật liệu địa phương theo tiêu chí lũ trong bối cảnh biến đổi khí hậu…

Chia sẻ về công tác dự bão bão, bà Phạm Thị Thanh Ngà, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, thách thức lớn nhất trong dự báo bão hiện nay là xác định được một cách chính xác lượng mưa đi cùng. Điều này càng khó khăn hơn khi cơn bão tiến gần vào đất liền do tương tác của nó với hiệu ứng địa hình và các hệ thống thời tiết khác. Với các nước có công nghệ tiên tiến, có hệ thống radar thời tiết dày đặc, có thể quét xa vài trăm km từ bờ biển, việc ước đoán lượng mưa do bão sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo bà Phạm Thị Thanh Ngà, sử dụng dữ liệu mưa từ hệ thống vệ tinh TRMM/GP đã bước đầu khẳng định ưu thế trong việc đo mưa tại Việt Nam. Các cơn bão ảnh hướng đến Việt Nam sẽ được quan sát theo 3 chiều từ ngoài biển để thấy rõ cấu trúc phân bố ngang và thẳng đứng của trường mưa, sự biến đổi của các trường trong quá trình phát triển và di chuyển.

Một ứng dụng khoa học công nghệ khác trong phòng chống thiên tai cũng được các nhà khoa học tại Đại học Khoa học tự nhiên giới thiệu đó là áp dụng đa phương tiện xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tai biến lũ quét chi tiết đến cấp xã ở vùng núi, thử nghiệm ở 3 huyện Tây Bắc.

Hệ thống đã được sử dụng để cảnh báo sớm lũ quét cho huyện Thuận Châu, Sơn La, huyện Cao Phong, Hòa Bình và huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ngoài ra, hệ thống còn có các chức năng khác như cảnh báo sớm cháy rừng, một số loại sâu bệnh chính và vạch kế hoạch phun thuốc trừ sâu. Hiện nay, phần mềm WeGIS và trang web đã được xây dựng cho cả hệ điều hành của máy tính và điện thoại thông minh. Kết quả nghiên cứu đang được chuyển giao áp dụng rộng rãi cho các huyện khác có nguy cơ cao bị lũ quét và sạt lở đất.

Theo Thu Cúc

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​