Công nghệ bảo mật smartphone không thể xâm nhập


(Chinhphu.vn) - Ưu điểm của phương pháp mới do các nhà khoa học từ Viện các hệ thống trí tuệ và điều khiển học (Nga) đề xuất là ở chỗ công nghệ bảo mật smartphone hoạt động liên tục mà không cần có những động thái bổ sung của người dùng.

Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu của Viện các hệ thống trí tuệ và điều khiển học thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Nghiên cứu hạt nhân Moscow, Nga (MEPhI) đã phát triển công nghệ xác thực liên tục người dùng cho thiết bị di động dựa trên danh định sinh trắc học.

Theo cơ quan báo chí của Đại học MEPhI, kết quả nghiên cứu đã được giới thiệu tại một số hội thảo khoa học quốc tế.

Giờ đây, một trong những phương pháp phổ biến nhất để bảo vệ thiết bị di động là hệ thống xác thực người dùng bằng mật khẩu. Tuy nhiên, điều này không tiện lợi bởi vì người dùng buộc phải liên tục nhập mã số hoặc mã xác minh.

Một phương án lựa chọn là hệ thống xác thực dấu vân tay, nhưng hệ thống này cũng có nhược điểm đáng kể, đó là thông qua những phần mềm độc hại kẻ tấn công có thể sao chép dấu vân tay và thậm chí đưa vào dấu vân tay của nó, làm người dùng “bị chặn”.

Ưu điểm của phương pháp mới do các nhà khoa học từ Viện các hệ thống trí tuệ và điều khiển học đề xuất là ở chỗ, công nghệ bảo mật smartphone hoạt động liên tục mà không cần có những động thái bổ sung của người dùng.

Phương pháp này dựa trên danh định sinh trắc học theo dõi hành vi của người dùng, các thông số đặc trưng của người dùng để cho phép xác định ai đang sử dụng điện thoại thông minh: Chủ sở hữu hoặc người khác. Trên thực tế, mỗi người có phong cách riêng khi sử dụng điện thoại, đó là cách cầm smartphone, cách các ngón tay tương tác với màn hình cảm ứng là khác nhau, cách sử dụng các dịch vụ cũng khác nhau. Đó là những đặc điểm mà các chuyên gia từ MEPhI đang nghiên cứu.

Hệ thống này thuận tiện ở chỗ khác với mã số hoặc dấu vân tay, kẻ tấn công không thể sao chép, đánh cắp hoặc làm giả đặc điểm sinh trắc học. Nhờ đó, hệ thống bảo vệ thiết bị khỏi tin tặc có mức độ cao hơn.

"Tính mới trong nghiên cứu khoa học của chúng tôi là ở chỗ: trong dự án này chúng tôi lần đầu tiên sử dụng các công nghệ khai thác dữ liệu và mạng lưới thần kinh nhân tạo để bảo đảm xác thực liên tục người dùng theo danh định sinh trắc học. Các cảm biến với độ nhạy cực cao được trang bị cho điện thoại thông minh hiện đại cho phép xác định đặc điểm hành vi của mỗi người dùng. Dữ liệu này cùng với thông tin đến từ màn hình cảm ứng và các cảm biến khác cho phép xác thực người dùng với độ chính xác rất cao", Giáo sư Konstantin Kogos, người đứng đầu dự án cho biết.

Theo BT

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​