NASA công bố sứ mệnh tìm nguồn gốc hệ Mặt trời
- Details
- Đăng ngày 06/01/2017 Lượt xem: 5359
(Chinhphu.vn) - Trong buổi họp báo diễn ra sáng 5/1, NASA cho biết sẽ phóng 2 tàu vũ trụ mang tên Lucy và Psyche lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh khám phá về thuở sơ khai trong lịch sử hệ Mặt trời, khoảng thời gian chưa đến 10 triệu năm sau khi Mặt trời ra đời.
Lucy, con tàu vũ trụ điều khiển tự động được đặt theo tên bộ xương vượn cái 3,2 triệu năm tuổi, được lên lịch phóng vào tháng 10/2021. Chiếc tàu sẽ phóng đến mục tiêu đầu tiên là một tiểu hành tinh ở vành đai chính nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc vào năm 2025. Từ năm 2027 đến 2033, Lucy sẽ thám hiểm 6 tiểu hành tinh Trojan khác. Những tiểu hành tinh này bị lực hấp dẫn của sao Mộc hút vào quỹ đạo hành tinh. Chúng được cho là dấu tích của thời kỳ đầu trong lịch sử hệ Mặt Trời và hình thành từ rất lâu bên ngoài quỹ đạo sao Mộc.
Tiểu hành tinh kim loại mang tên Psyche sẽ trở thành mục tiêu ghé thăm của tàu vũ trụ cùng tên dự kiến được phóng vào năm 2023. Tiểu hành tinh này nằm xa gấp 3 lần khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất, có đường kính khoảng 209 km. Không giống những tiểu hành tinh băng hoặc đá khác, Psyche tạo thành hoàn toàn từ kim loại sắt-niken, tương tự lõi Trái đất.
Các nhà khoa học cho rằng Psyche có thể ra đời dưới dạng một hành tinh kích thước lớn ngang sao Hỏa, bị mất dần lớp vỏ đá bên ngoài khi va chạm với những tiểu hành tinh khác cách đây hàng tỷ năm.
"Loài người đã biết đến những thiên thể đá, băng và khí, nhưng chúng ta chưa bao giờ quan sát một thiên thể kim loại", nhà địa chất học hành tinh Lindy Elkins-Tanton ở Đại học Arizona tại Tempe, Mỹ, cho biết.
Ngoài 2 sứ mệnh Lucy và Psyche, NASA sẽ tiếp tục đầu tư và kéo dài dự án Near Earth Object Camera (NEOCam) thêm một năm. Kính viễn vọng vũ trụ NEOCam được thiết kế để khảo sát những vùng không gian gần quỹ đạo Trái đất nhất, nơi có khả năng tìm ra những tiểu hành tinh nguy hiểm.
Theo Hoàng Lâm/Chinhphu.vn