Rút ngắn thời gian xét nghiệm HIV, viêm gan B và C
- Details
- Đăng ngày 27/04/2016 Lượt xem: 7193
(Chinhphu.vn) - Với kỹ thuật xét nghiệm NAT tiên tiến nhất hiện nay, thời gian phát hiện HIV có thể rút ngắn 10 ngày, viêm gan B sớm hơn 25 ngày và viêm gan C sớm hơn 60 ngày so với kỹ thuật đang được ứng dụng tại các cơ sở y tế hiện nay.
Hệ thống kỹ thuật NAT. Ảnh: VGP/Hiền Minh.
Ngày 26/4, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương công bố ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm máu NAT (kỹ thuật sinh học phân tử) tiên tiến nhất hiện nay. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước ứng dụng kỹ thuật này.
Theo GS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, kỹ thuật NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc HBV (virus viêm gan B), HCV (virus viêm gan C), HIV cho độ chính xác và độ nhạy cao, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian phát hiện virus.
Chẳng hạn, thời điểm xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT có thể phát hiện HIV rút ngắn 10 ngày so với xét nghiệm huyết thanh học đang được áp dụng tại các cơ sở y tế hiện nay (khoảng 30 ngày), phát hiện HBV sớm hơn 25 ngày và HCV sớm hơn 60 ngày.
Chi phí mỗi lần xét nghiệm khoảng 210.000 đồng và có BHYT chi trả.
Trước đó, trong năm 2015, sau khi xét nghiệm sàng lọc cho 100% đơn vị máu được tiếp nhận bằng kỹ thuật huyết thanh học phát hiện nhiễm HBV, HCV, HIV, sốt rét…, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã bước đầu thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật NAT cho gần 420.000 mẫu máu.
Kết quả, Viện đã phát hiện được 442 mẫu máu nhiễm bệnh. Ước tính xét nghiệm NAT có thể phát hiện được mẫu nhiễm HBV là 1/1.184 mẫu; HCV là 1/37.990 mẫu; với HIV là 1/83.579 mẫu đã có xét nghiệm huyết thanh học âm tính trước đó.
Theo WHO, truyền máu là một trong ba yếu tố đánh giá sự phát triển y tế của mỗi quốc gia.
Cả nước dự kiến tiếp nhận khoảng 1,3 triệu đơn vị máu vào năm 2016 và đạt 1,8 triệu đơn vị máu vào năm 2020. Do đó, việc bảo đảm an toàn truyền máu phải được đặt lên hàng đầu và xét nghiệm sàng lọc máu, bảo đảm an toàn truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đạt được mục tiêu này.
Theo Hiền Minh/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ