Bàn cách thúc đẩy thanh toán điện tử


         (Chinhphu.vn) - Thanh toán điện tử là xu hướng tất yếu với nhiều ưu việt nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến lĩnh vực này chưa phát triển mạnh tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn từ các ngành như ngân hàng, tài chính, công thương…


Các diễn giả tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

         Đây là ý kiến của các diễn giả tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2015) do Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 16/12.

         Đại diện đơn vị đi đầu trong việc triển khai điện tử hóa hoạt động, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh rất chú trọng đến cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là phải nhân rộng triển khai thuế điện tử theo chỉ tiêu Chính phủ giao.

         Ông Trí cho biết, đến hết tháng 11/2015, đã có 478.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin của Tổng cục Thuế, chiếm tỷ lệ 92,5% số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 438.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử thành công tại các ngân hàng thương mại. Đại diện ngành thuế cũng cho hay, hiện có 122.700 tỉ đồng ngân sách Nhà nước được thu qua cổng điện tử của Tổng cục Thuế. Ngành thuế đã thực hiện thí điểm thu thuế điện tử với các doanh nghiệp từ tháng 2/2014. Đến nay, 43 ngân hàng đã ký cam kết cung cấp dịch vụ, trong đó có 6 ngân hàng nước ngoài đã chính thức tham gia kết nối.

         Ngành thuế cũng cho biết sẽ thí điểm phương thức nộp thuế điện tử với các cá nhân, trong đó hỗ trợ cả hình thức nộp phí trước bạ cho xe máy, ôtô và nhà đất. Cụ thể, hộ kinh doanh sẽ được quản lý theo phương thức điện tử và nộp thuế bằng dịch vụ thanh toán điện tử Bankplus của ngân hàng, nộp qua thẻ, nộp qua Internet banking...

         Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngành tài chính là đối tác quan trọng trong lĩnh vực này, tiền nộp thuế hàng năm vào khoảng 45 tỷ USD, trong đó 10% thanh toán tiền mặt, còn lại là thanh toán không dùng tiền mặt.

         Thứ trưởng Tuấn dẫn chứng: Trong số 90% không dùng tiền mặt thì thanh toán điện tử mới chiếm trên 30%, do đó, ngành tài chính là khách hàng tiềm năng của thanh toán điện tử,…

         Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, dù thanh toán điện tử là xu hướng tất yếu với nhiều ưu việt nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến lĩnh vực này chưa phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong đó, nổi lên là thói quen tiêu dùng tiền mặt ăn sâu vào không ít người dân, doanh nghiệp khiến họ ngại thay đổi.

         Một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả cán bộ nhà nước vẫn mong muốn sử dụng tiền mặt, làm việc trực tiếp vì những lợi ích cá nhân không minh bạch. Đi kèm với điều đó là cơ sở hạ tầng công nghệ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan chưa thật sự đồng bộ.

           Cần sự phối hợp đồng bộ

         Theo dự báo của Công ty hoạt động nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ 13 triệu người lên 33 triệu vào năm 2020, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là một động lực chính làm thay đổi cách tiêu dùng của người Việt, tạo xu hướng ứng dụng và trải nghiệm công nghệ trong quá trình mua hàng.

         Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng các phương thức thương mại hiện đại, xu hướng tiêu dùng mới chưa thể thực sự khởi sắc và phát huy hết ưu điểm nếu người tiêu dùng vẫn phải sử dụng tiền mặt như một công cụ chính trong quá trình mua hàng.

         Theo khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64%.

         Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang nghiên cứu để xây dựng, phát triển một Cổng thanh toán thương mại điện tử quốc gia nhằm cung cấp, hỗ trợ cho các giao dịch trong lĩnh vực này. Đồng thời, để đối phó với e ngại về gian lận thương mại, Bộ Công Thương đang dự thảo xây dựng Nghị định trong đó có các chế tài đủ mạnh để bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

         Về lĩnh vực thuế, Thứ trưởng Tuấn cho biết đang đề xuất chỉ cho phép chấp nhận DN thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu thay vì dưới 20 triệu như hiện nay.

         Có cùng quan điểm, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng tỷ lệ nộp thuế điện tử thấp và tình trạng trả tiền mặt khi mua hàng online còn cao là do sự thiếu kết nối và phối hợp giữa các ngành ngân hàng, tài chính và công thương.

         Ông Bùi Quang Tiên cho rằng phải có sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, để thực hiện thanh toán trực tuyến phổ biến hơn, theo ông Tiên cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng để khách mua hàng, thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn.

Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​