Chặn bão bằng mô hình bơm sol khí vào khí quyển
- Details
- Đăng ngày 04/11/2015 Lượt xem: 7442
(Chinhphu.vn) - Nếu gần 10 tỉ tấn sol khí được bơm vào khí quyển mỗi năm, sẽ làm giảm một nửa số lượng cơn bão như bão Katrina trong nửa thế kỷ tới.
Ảnh minh họa
Một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều nước đã sử dụng 8 mô phỏng mô hình khí hậu của hệ thống Trái đất trong khuôn khổ dự án so sánh giữa các mô hình địa khí hậu để dự báo sự thay đổi số lượng các cơn bão và các loại bão nhiệt đới khác nhau có thể xuất hiện trong 50 năm tới nếu các sol khí sulfat được bơm vào khí quyển để giảm tác động của nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học đã mô tả các mô hình và chứng tỏ việc bơm sol khí trên diện rộng sẽ khá hiệu quả mặc dù họ cũng lưu ý rằng một loại sol khí khác sẽ được sử dụng để tránh gây hại đến tầng ozone.
Vì Trái đất vẫn đang nóng lên và những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đủ để tạo sự khác biệt không hiệu quả, nên các nhà khoa học bắt đầu chuyển sang những phương pháp khác để giảm thiểu các vấn đề trong tương lai liên quan đến nhiệt độ ấm hơn và mực nước biển dâng cao như tăng số lượng và cường độ bão. Một trong các kỹ thuật này là bơm sol khí vào khí quyển trong các khu vực nơi bão nhiệt đới hình thành, hiệu ứng bóng đổ sẽ làm mát không khí trên biển ngăn chặn sự hình thành của bão nhiệt đới.
Sau khi nhập dữ liệu để lập mô hình bơm sol khí sulfat trong 50 năm tới theo hai cách khác nhau, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy ý tưởng này có thể khả thi nhưng không như mong đợi. Cách thứ nhất là lập mô hình tác động của một vụ phun trào núi lửa, định lượng sol khí cần bơm. Cách thứ hai là mô phỏng sự gia tăng lượng sol khí bơm cho phù hợp với lượng khí thải nhà kính như dự báo.
Cách tiếp cận thứ hai mang lại kết quả sát với thực tế hơn, do đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình đó để đưa ra các dự báo. Nếu gần 10 tỉ tấn sol khí này được bơm vào khí quyển mỗi năm, sẽ làm giảm một nửa số lượng cơn bão như bão Katrina trong nửa thế kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý kỹ thuật bơm lượng sol khí sulfat lớn như vậy vào khí quyễn vẫn chưa có cơ hội được thực hiện vì nó sẽ phá hủy tầng ozone. Nhưng phát hiện nghiên cứu cho thấy nếu tìm ra một loại sol khí khác an toàn hơn, kỹ thuật này sẽ khả thi.
Theo Minh Thu/Chinhphu.vn