Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Đầu tư đổi mới từ doanh nghiệp
- Details
- Đăng ngày 02/11/2015 Lượt xem: 7929
Bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm chiếm tỷ trọng 60% toàn ngành công nghiệp TPHCM. Nhưng đánh giá cho thấy, các ngành này mới tăng trưởng về lượng, thiếu bền vững về chất, do thiếu hàm lượng khoa học công nghệ (KH-CN) và giá trị gia tăng cao. Do đó, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, TPHCM phải bắt đầu từ đổi mới sáng tạo trong chính các doanh nghiệp (DN).
Thành bại tại… doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, 5 năm qua tổng sản phẩm nội địa của thành phố tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, trong đó sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân đạt 33,1%; tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Một thành tố căn bản đóng góp vào chỉ số TFP chính là sự tác động của KH-CN, mà theo một nghiên cứu của Trung tâm Năng suất Việt Nam đánh giá là đóng góp 74% vào sự tăng trưởng của chỉ số TFP.
Tốc độ tăng trưởng của các hoạt động chuyên môn và KH-CN đạt bình quân 16,9% trong giai đoạn 2011-2015, dẫn đầu trong 9 nhóm ngành dịch vụ của TPHCM và tăng gấp 3,3 lần so với giai đoạn trước đó. Nhiều mô hình KH-CN như Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung… phát triển có hiệu quả, hỗ trợ nhiều hơn cho DN đổi mới mô hình quản trị và kinh doanh, tiếp cận thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia nhìn nhận sự phát triển kinh tế hiện nay phụ thuộc vào sự lớn mạnh của các DN. Nhưng số DN của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng tiếp cận được thị trường toàn cầu không nhiều bởi còn quá hạn chế, yếu kém trong môi trường đầu tư kinh doanh, trong hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, trong mối liên kết giữa cơ quan nghiên cứu phát triển và DN, giữa DN với DN… Tại Israel, nước này tuy chỉ có 8 triệu dân nhưng có hơn 5.000 công ty khởi nghiệp và hơn 250 trung tâm nghiên cứu phát triển đa quốc gia đặt ở đây. Đó là nhờ Israel đã khích lệ được những người trẻ nhìn vào thành công của các tập đoàn lớn để sáng tạo, tìm lấy thành công cho mình. Chính phủ nước này đã tạo điều kiện tối đa, cùng với DN và các trường đại học hình thành một “hệ sinh thái DN”.
Trong khi đó, đến nay, thống kê trong nước chỉ có khoảng 20% - 30% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Hầu hết DN còn lại chủ yếu dựa vào yếu tố lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thô có giá trị gia tăng thấp. Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng TPHCM phải sớm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, cùng với kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào DN; đầu tư xây dựng vườn ươm tạo DN KH-CN cùng với các chính sách hỗ trợ ươm tạo của nhà nước với phương châm đầu tư mạo hiểm. Từ đó, thúc đẩy hình thành lớp DN mới, thay đổi về chất, phát triển dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KH-CN.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, doanh nghiệp KH-CN có những sản phẩm tốt
nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh. Ảnh: T.BA
Đi vào phát triển bền vững
Đổi mới sáng tạo là đòi hỏi tất yếu đối với các DN khi gia nhập thị trường toàn cầu. Ở các nước, đổi mới sáng tạo được thực hiện đồng thời và song song với hình thành thị trường công nghệ và nguyên phụ liệu nội địa. Thống kê cho thấy, TPHCM có 371 DN trong nước và 261 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, trên 80% nguyên liệu, linh phụ kiện cho những DN này vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên nhân xuất phát từ các DN Việt chậm đổi mới về công nghệ, dẫn đến chất lượng sản phẩm có khoảng cách rất xa giữa các nhà lắp rắp và các nhà cung ứng nội địa. Do đó, các nhà lắp ráp đầu tư tại Việt Nam nhưng vẫn phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện từ nước ngoài, đồng thời còn kéo theo những nhà cung ứng cho họ từ chính quốc.
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, nhìn nhận điều này dẫn tới việc phần lớn giá trị gia tăng thuộc về các DN FDI và nhà cung ứng nước ngoài. Chúng ta chỉ đóng vai trò như một trạm chung chuyển, đóng gói, gia công trước khi sản phẩm xuất đi các nước khác để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, dù cho giá trị xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng theo từng năm, nhưng chúng ta chỉ thu được một vài lợi ích rất nhỏ từ hoạt động sản xuất này.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đầu tư phát triển các DN công nghiệp phụ trợ tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế TPHCM. Trước mắt, TPHCM nên tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - nhựa - cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Về lâu dài, phải xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hàm lượng chất xám, KH-CN vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Theo NGUYỄN TƯỜNG/SGGP Online