Đề văn không mở, nhiều thí sinh xài “phao”
- Details
- Đăng ngày 03/07/2015 Lượt xem: 1544
Đề văn không đổi mới, thiếu sáng tạo, khuyến khích cách học đọc chép và học tủ. Có đến 298 thí sinh bị đình chỉ vì dùng tài liệu trong môn thi văn
Nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới trong đề thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia, từ đó thay đổi cách dạy và học môn này nhưng đề thi môn văn sáng 2-7 đã khiến nhiều giáo viên thất vọng.
Đề không mới, không mở
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), cho biết đề rất dài nhưng câu hỏi lại quá dễ. Đề thi quá an toàn, tẻ nhạt và không có tính phân loại thí sinh (TS).
So với đề thi minh họa trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cấu trúc đề văn không khác nhiều, nội dung không gây bất ngờ. Đề yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về vấn đề vô cảm, bạo lực học đường, biển đảo, vật chất bào mòn tâm hồn con người - đều là vấn đề không mới, nhiều đề thi trước đã đề cập.
Thí sinh sau khi thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP HCM . Ảnh: TẤN Thạnh
“Giáo viên kỳ vọng ở câu nghị luận xã hội, vấn đề đưa ra phải gai góc, đột phá hơn. Tuy nhiên đề thi đã né nhiều vấn đề thời sự quan trọng khiến sự kỳ vọng, phấn khích vào một đề thi đổi mới thành hụt hẫng” - thầy Đức Anh bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐHQG TP HCM), cho rằng cấu trúc đề thi môn ngữ văn có vài khác biệt so với đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH các năm trước. Cụ thể, ở phần đọc hiểu, đề năm nay cho hai văn bản: một văn bản nhật dụng và một văn bản nghệ thuật. Cả hai văn bản này đều nằm ngoài chương trình. Việc cho hai văn bản trong phần đọc hiểu như thế sẽ tạo cơ hội để TS có thêm điểm. Tuy nhiên, những câu hỏi đặt ra trong phần đọc hiểu khá đơn giản. Với những câu hỏi như thế, TS chỉ cần nắm vững kiến thức về văn bản và tiếng Việt là có thể làm được.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), nhận định đề thi không xứng tầm với kỳ thi quốc gia, không thể hiện tinh thần đổi mới. Phần đọc hiểu không ghi rõ số điểm cụ thể cho từng câu để TS chủ động bố trí thời gian và có dung lượng bài làm hợp lý. Đây có thể là sơ suất và cũng có thể ban ra đề thiếu bản lĩnh, còn tùy vào hoàn cảnh để chỉnh sửa thang điểm. Những câu hỏi về: thể thơ, phương thức biểu đạt, nêu biện pháp tu từ... không phù hợp trình độ học sinh THPT bởi tất cả những điều này chỉ cần dạy một buổi, học sinh lớp 5 vẫn có thể làm được.
“Đề không thể hiện tư duy sáng tạo của TS và sa vào lối học tủ, học vẹt, đánh đồng giữa học sinh học nghiêm túc, học sinh khá giỏi và học sinh không học vẫn có thể “chém gió” vô tư. Tinh thần của Bộ GD-ĐT là đổi mới dạy và học, đề thi phải mở, phải mới; còn ra đề kiểu này trói càng chặt hơn chứ không mở” - cô Hiền nhận định.
298 thí sinh bị đình chỉ do dùng “phao”
Trong buổi thi môn văn, nhiều TS tỉnh Quảng Nam “trúng tủ” câu 2 về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu vì đã được ra trong kỳ thi thử. Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho hay nhiều giáo viên và cả sở rất mừng khi biết đề thi văn có 1 câu nằm trong đề thi thử. “Tôi hy vọng với đề thi có câu trùng này, TS Quảng Nam sẽ làm tốt và đạt điểm cao hơn” - ông Quốc bày tỏ.
Đúng như nhận định của các giáo viên, thực tế, rất nhiều TS đã phải tìm đến “phao” thi trong buổi thi môn văn. Cụm thi của Trường ĐH Y Dược TP HCM đình chỉ tới 18 trường hợp do phát hiện mang tài liệu vào phòng thi trong môn văn. Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Ủy viên Thường trực Hội đồng thi cụm Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết tài liệu TS mang vào phòng thi đều ở dạng thu nhỏ.
“Phao” thi tràn lan trước cổng điểm thi Trường THPT Đông Sơn 2, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: TUẤN MINH
Cụm thi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng ghi nhận 10 trường hợp TS vi phạm, trong đó có 9 mang tài liệu và 1 mang tai nghe bluetooth vào phòng thi. Các cụm thi khác như tại các trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Sư phạm TP HCM, Công nghiệp TP HCM, Sài Gòn có từ 1-4 TS vi phạm do mang tài liệu.
Ở các cụm thi do Trường ĐH Nông Lâm chủ trì tại Gia Lai có 7 trường hợp vi phạm, trong đó 4 mang tài liệu, 3 mang điện thoại. Các cụm thi của Trường ĐH Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang có từ 2-6 TS vi phạm do mang tài liệu… Cụm thi ĐH Đà Nẵng có 8 TS bị đình chỉ do sử dụng tài liệu cùng trong môn văn.
Tại điểm thi số 12 được tổ chức tại Trường THPT Đông Sơn 2, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa - cụm thi do Sở GD-ĐT Thanh Hóa chủ trì dành cho TS chỉ xét tốt nghiệp THPT - “phao” thi ném trắng cổng trường sau môn thi văn. Đây là những tài liệu được sao in và đóng lại thành tập, kích thước chỉ nhỏ bằng bàn tay, có đầy đủ các bài thi, câu hỏi và dạng đề thi.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong buổi thi môn ngữ văn, có tới 320 TS bị kỷ luật, trong đó khiển trách 9, cảnh cáo 13 và 298 TS bị đình chỉ. Trong khi đó, thi môn vật lý chỉ có 14 TS bị đình chỉ. Trong cả 2 buổi thi, không có giám thị nào bị kỷ luật.
Vật lý: Dễ đạt điểm 5-6
Thầy Bùi Phương Thịnh - giáo viên môn vật lý Trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, Hà Nội - đánh giá đề thi vật lý được Bộ GD-ĐT ra tương đối an toàn, kiến thức gần như 100% ở chương trình vật lý lớp 12 sách cơ bản. Có 50% là các câu hỏi ở mức độ nhận biết, TS chỉ cần nhớ công thức là chọn được đáp án.
“Đề thi có sự phân hóa cao nhưng không phân hóa mạnh vì tỉ lệ các câu hỏi dễ khá nhiều. TS chỉ cần cẩn thận và nắm chắc kiến thức cơ bản là đã đạt điểm 5-6, rất dễ đỗ tốt nghiệp” - thầy Thịnh nhận xét. Dưới góc độ phục vụ việc tuyển sinh ĐH, thầy Thịnh cho rằng chỉ có 7 câu hỏi rất khó mang tính chất phân loại cao. Theo dự đoán của giáo viên này, sẽ có khoảng 20% TS đạt 7-8 điểm, điểm 9 -10 rất ít.
Bán “phao” ngay trong hội đồng thi
Sáng 2-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận việc “phao” được bán ngay trong hội đồng thi Trường THPT Như Thanh 1, thị trấn huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Đây là điểm thi dành cho thí sinh (TS) thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp do Sở GD-ĐT Thanh Hóa chủ trì.
Kỳ thi tại đây diễn ra khá lỏng lẻo. Ngay sau khi môn thi văn kết thúc, có một phụ nữ không đeo bảng hiệu bịt kín mặt đi thẳng vào khu vực thi. Phóng viên cũng có thể vào thẳng khuôn viên của trường rất dễ dàng. Tại nhà xe, nhiều TS lôi tài liệu dắt trong người ra trao đổi và cho biết “phao” được mua trong khu vực hội đồng thi. Theo sự chỉ dẫn của một số TS, phóng viên vào khu vực này và thấy phao thi đã được làm sẵn, đặt ngay ngắn trong khuôn viên Trường THPT huyện Như Thanh. Một phụ nữ tên Nguyệt cho biết tài liệu này do một giáo viên môn địa lý soạn trước, bán với giá 10.000 đồng/”phao” thi. Bà ta khẳng định đã xin lại của giáo viên để in bán cho TS.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc này, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết sẽ kiểm tra và có thông tin phản hồi.
T. Minh
Nhiều thí sinh phải cấp cứu
Cuối buổi thi chiều 1-7, sau khi hoàn thành bài thi ngoại ngữ, TS Bùi Thị Thủy (điểm thi Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị đau ruột thừa phải đưa đi cấp cứu và phẫu thuật. Đến sáng 2-7, dù còn đau nhưng Thủy vẫn đến trường tiếp tục tham dự kỳ thi.
Tại điểm thi Trường ĐH Đồng Tháp, trước giờ mở đề thi môn ngữ văn khoảng 15 phút, TS Nguyễn Thị Bích Thuận (huyện Hồng Ngự) bị hạ canxi ngất xỉu phải cấp cứu. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, Thuận đã dần hồi phục và kiên quyết trở lại phòng thi.
Tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật chủ trì, TS Lưu Hải Yến (quê Nghệ An) khi băng qua đường để vào điểm thi tại số 1 Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP HCM đã bị xe máy đụng gây chấn thương vùng đầu. Các nhân viên y tế đã kịp thời sơ cứu cho Yến. Đến 7 giờ 15 phút, TS này đã tỉnh táo hơn và được trợ giúp đến phòng thi. Tai nạn khiến Yến bị mất nhiều giấy tờ. Nhà trường đã hỗ trợ giải quyết nhanh chóng cho TS này được dự thi môn văn.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, một TS bị đau bụng trong lúc làm bài được đưa đi cấp cứu. Tại điểm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có 1 TS phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai do đau bụng.
Đ.Ngọc - C.Linh - D.Nhi - H.Lân
Theo nld.com.vn