Để vượt qua các môn khối xã hội thật dễ dàng
- Details
- Đăng ngày 30/06/2015 Lượt xem: 1654
(GDVN) - Trong thực tế, kiến thức từ các môn xã hội đem lại rất lý thú nhưng việc học các môn này lại không mấy thuận buồm xuôi gió với không ít thí sinh.
Để có thể “chống chọi” cũng như trở thành thủ lĩnh của các môn khó nhằn này đòi hỏi các bạn cần phải có một sự kiên trì bền bỉ nhất định.
Phải có đam mê
Có thể nói khối xã hội (thường gọi là khối C khi đi thi đại học, cao đẳng) mang tính đặc thù hoàn toàn khác với các khối khác. Vì vậy điều kiện tiên quyết phải có đó là sự say mê với nó. Khối này bao gồm ba môn là Văn, Sử, Địa – những môn lâu nay vẫn được coi là học thuộc lòng.
Đối với môn Văn, đây được coi là môn chính của khối và luôn cần được đầu tư nhiều. Việc học tập môn Ngữ văn thực ra không khó, chỉ cần chú ý nghe và ghi chép nội dung quan trọng bài giảng của thầy cô.
Thơ cần nắm nội dung và nghệ thuật. Văn xuôi thì cần nắm dẫn chứng, các chi tiết nghệ thuật, tình huống truyện, hình tượng nhân vật, bút pháp nghệ thuật của tác giả… Nắm vững được cái cốt lõi của tác phẩm rồi thì bắt đầu tập viết cảm nhận, phân tích.
Ảnh minh họa. Nguồn Sinh viên Việt Nam.
Nghị luận xã hội thì cần có vốn sống, kinh nghiệm sống, phải đọc nhiều báo chí, sách vở để có tư liệu thực tế. Bài văn nghị luận xã hội hay là bài văn có vốn sống, có sự hiểu biết xã hội, biết phân biệt đúng sai, phải trái, biết rút ra cho mình bài học. Cũng thông qua bài văn nghị luận xã hội ấy mà điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với hoàn cảnh.
Còn môn Sử thì sự chăm chỉ là yếu tố then chốt có thể cởi bỏ nút thắt về những số liệu, những sự kiện có tính chất liền mạch. Học Sử rất hấp dẫn, bạn như được trở về quá khứ tìm theo những dấu chân, xâu chuỗi các vấn đề của lịch sử. Môn này hay và nhiều điều đáng để lưu ý khi học khối xã hội và được điểm cao ở môn này cũng không phải là chuyện quá khó.
Môn Địa lý có lẽ được coi là môn học dễ nhất trong ba môn nói trên. Môn này không quá khắt khe về tài liệu, con số hay những dẫn chứng. Từ thực tế và sự quan sát người học cũng có thể nêu được vấn đề của bài học và đưa ra những nhận xét khái quát nhất.
Nên chăm chỉ và có sự đầu tư
Học các môn này, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn một chút. Nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ, đòi hỏi bạn phải tưởng tượng cả giờ đồng hồ để có một câu văn hay, ghi nhớ hàng giờ đồng hồ với những sự kiện lịch sử và phân loại hàng giờ với những số liệu của môn địa. Bạn sẽ được rèn luyện thêm cả tính kiên nhẫn, cẩn thận và sự chỉn chu khi học khối xã hội này rồi đấy.
Yêu cầu đọc nhiều tài liệu và các sách chuyên ngành cũng là điều cần thiết. Nếu bạn không đọc thêm mà chỉ đọc những cuốn sách giáo khoa đó thì rất khó nắm bắt kiến thức. Tuy nhiên, kỹ năng đọc sách cũng rất quan trọng, nó giúp bạn biết đọc cái gì và đọc như thế nào sao cho hiệu quả.
Tránh tư tưởng học vẹt, học tủ
Đối với khối xã hội bạn nên tránh tư tưởng học “vẹt”, cần xác định được cái gì là cần thiết cho mình. Những kiến thức bạn có về các khối ngành xã hội là rất rộng nên hãy học hiểu thay vì học tủ. Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn có những bài tự luận hay và ý nghĩa.
Bạn nên có một phương pháp riêng của mình để học sao cho hiệu quả. Khi đó, các môn xã hội không những không gây trở ngại mà còn kích thích sự tò mò của bạn. Học vẹt chỉ có thể là phương án tình thế cứu cánh cho bạn khi lâm vào tình trạng không kịp học bài.
Phân bố thời gian hợp lí
Không riêng khối xã hội mà các khối khác cũng có giai đoạn chạy nước rút. Tuy nhiên bạn nên ưu tiên nhiều cho các môn học thuộc này. Thực tế, các môn học hiểu chiếm khá nhiều trong quỹ thời gian của bạn. Vì vậy, bạn phải phân bố thời gian hợp lí, biết học cái gì trước cái gì sau. Vào kì thi, bạn hãy thoải mái với những gì mình đã có, tránh sự áp lực quá mức để rồi “sôi hỏng bỏng không”.
Ví dụ đề thi có 3 câu với thang điểm là 6 - 2 - 2, hãy ưu tiên cho câu hỏi nhiều điểm trước và chia đều thời gian còn lại cho 2 câu 2 điểm kia. Nếu đề quá dài trong khi thời gian hạn hẹp, hãy cố gắng làm mỗi câu một ít.
Nói cách khác, bạn không nên bỏ trắng bất kì câu nào, dù nó ít điểm. Có thể bạn hiểu rất rõ câu 8 điểm, nhưng nếu dành trọn thời gian cho nó, bạn sẽ chỉ được cao nhất là 8 điểm mà thôi.
Để kiếm được điểm cao ở khối xã hội không khó nếu bạn biết cách trình bày vấn đề rõ ràng, logic và mạch lạc. Những lợi thế về chữ viết, cách diễn đạt cũng luôn được những người “cầm cân nảy mực” chú ý.
Trước khi thi, hãy ngủ cho thật ngon
Trí nhớ của bạn sẽ hoạt động có hiệu quả hơn nhiều nếu bạn cho chúng nghỉ ngơi hợp lí và đầy đủ. Ngủ đủ giấc cũng giúp bạn tỉnh táo hơn hẳn.
Đọc kĩ đề
Chẳng có gì ngớ ngẩn hơn là khi bạn đã làm được một nửa thời gian và phát hiện ra mình đang… đi nhầm hướng. Hãy đọc cho thật kĩ đề bài, dành từ 1-2 phút, hoặc có thể nhiều hơn một chút để nghiền ngẫm thật kĩ những câu hỏi được đưa ra trong bài thi. Bằng cách đó, bạn có thể trả lời trúng trọng tâm đề bài.
Ngoài ra, hiểu chắc câu hỏi còn giúp các sĩ tử của chúng ta cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Một tâm lí vững chắc là động lực cho bạn hạ gục những câu hỏi siêu khó còn lại trong bài.
Thư giãn
Nếu cảm thấy quá lo lắng rằng mình sẽ không hoàn thành bài thi một cách hoàn hảo, bạn nên dành vài phút để trấn tĩnh thinh thần. Hít thở thật sâu, khẽ massage cổ và phần trán… Những động tác nhẹ nhàng có thể giúp bạn giải tỏa áp lực tâm lí trước những câu hỏi hóa búa.
Nộp sớm - Không phải là một ý hay
Trong hầu hết các kì thi, các thầy cô giám thị sẽ cho phép bạn được nộp bài sau khoảng 2/3 thời gian làm bài. Nếu bạn đã hoàn thành xong bài làm và chắc chắn về các đáp án của mình, bạn có thể nộp sớm để tránh cảnh tắc nghẽn khi tiếng chuông hết giờ vang lên.
Tuy nhiên, nộp bài sớm đồng nghĩa với việc bạn đã tự cắt giảm cơ hội được kiểm tra lại một lần nữa bài làm của mình. Trong một cuộc thi quan trọng, nửa điểm cũng vô cùng quan trọng. Bạn chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm thật tốt bài của mình, dành thêm vài phút để dò lại cũng là rất xứng đáng.
Huyền Chi
Theo Gíao dục Việt Nam