Phó Thủ tướng “tham luận” về tự chủ ĐH


           ( Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới giáo dục ĐH nói chung, trong đó có tự chủ ĐH, là vấn đề phức tạp liên quan đến con người, trong giới trí thức vì vậy cần sự nhận thức sâu sắc, thấu triệt, trách nhiệm và quyết tâm cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài "tham luận" đặc biệt về tự chủ ĐH. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngày 30/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức hội thảo về tự chủ ĐH với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ 170 trường ĐH cả nước. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận và có sự đồng thuận cao về các vấn đề tự chủ ĐH. Trong đó, khẳng định tự chủ ĐH là xu thế phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới. Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi và với những yêu cầu mới của xã hội.

Nhiều tham luận đã tập trung làm rõ những vướng mắc hạn chế cũng như kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tự chủ tại một số trường ĐH của Việt Nam thời gian qua.

Đáng chú ý, trong phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân tích, đánh giá toàn diện, sâu sắc về vấn đề tự chủ ĐH ở Việt Nam thời gian qua.

Nhiều chỉ số giáo dục ĐH có vấn đề

Phó Thủ tướng nhận xét hiện nay có rất nhiều chỉ số cho thấy giáo dục ĐH của Việt Nam “có vấn đề”. Điển hình là số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, bên cạnh nguyên nhân về tình hình kinh tế xã hội, còn có nguyên nhân chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH không đáp ứng được yêu cầu của DN.

Trong khi nếu Việt Nam có thật nhiều cử nhân ra cử nhân, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ thì đó là nguồn lực thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, Phó Thủ tướng nêu một ví dụ buồn là trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI; 20.000 tạp chí Scorpus thì không có một tạp chí nào thuộc một trường ĐH của Việt Nam. Cùng với đó mô hình sáng tạo quốc gia hiện nay khiến các trường ĐH đứng ngoài các chương trình nghiên cứu khoa học.

“Đây là hai trong nhiều chỉ số, hai trong nhiều góc nhìn cho thấy chúng ta cần đổi mới giáo dục ĐH toàn diện, mạnh mẽ bởi tiếp cận đầu ra của thị trường lao động thì ĐH gần hơn”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh nguyên tắc phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới

Không chỉ là tài chính

Theo Phó Thủ tướng, đổi mới giáo dục ĐH ở Việt Nam không thể sao chép kinh nghiệm của bên ngoài bởi phải tính đến đặc thù nhưng cũng không thể lấy đặc thù để át đi, che đi xu thế tất yếu của thế giới, của thời đại. Giáo dục ĐH trên thế giới, ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, thì dễ thấy nhất là xu thế tự chủ.

Bởi môi trường ĐH đòi hỏi sự khai phóng, sáng tạo và những người tham gia quản trị ĐH là người có trình độ, có hiểu biết, mặt bằng hiểu biết tương đối cao và đồng nhất. Đặc biệt, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình xã hội.

Nhìn lại quá trình thực hiện tự chủ ĐH ở Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết quá trình này bắt đầu từ năm 1996 với một số quyền tự chủ được trao cho 2 ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM, tiếp đó là đề án thí điểm thực hiện tự chủ ĐH cách đây 10 năm. Tuy nhiên, khi triển khai cách hiểu về tự chủ ĐH “lệch” quá nhiều về tài chính mà ít chú ý đến vấn đề chuyên môn, học thuật, bộ máy tổ chức, nhân sự.

Về tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu khoa học, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc như đánh giá của Phó Thủ tướng “so với quyền của các ĐH quốc gia, ĐH vùng lúc mới thành lập thì những trường ĐH tự chủ gần đây thậm chí được nhiều quyền hơn”.

Liên quan đến bộ máy tổ chức, nhân sự, Phó Thủ tướng cho biết về nguyên tắc Bộ Nội vụ hoàn toàn đồng tình đối với các ĐH tự chủ được toàn quyền quyết định về nhân sự, “tuyển ai, như thế nào không cần phải làm đề án, mô tả vị trí việc làm như Luật Viên chức”; tự quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong.

“Vừa rồi tôi vào thăm ĐH Đà Nẵng, các đồng chí có kiến nghị thành lập thêm 3 trường ĐH thành viên. Tinh thần nếu ĐH Đà Nẵng đăng ký tự chủ thì trường tự quyết định tổ chức bên trong. Hay trước đây còn quy định những người có học hàm, học vị được kéo dài thời gian công tác sau khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ làm chuyên môn thì đối với các trường ĐH tự chủ chúng ta không nên can thiệp nếu những giáo sư đó vẫn đầy đủ uy tín và được tín nhiệm ở vị trí quản lý”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Đề cập đến lo ngại của nhiều trường ĐH khi tự chủ sẽ không được ngân sách Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng nêu thực tế ở những quốc gia như Đức, Pháp trường ĐH tự chủ rất nhiều nhưng ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí.

Nói về quy định cho phép các trường ĐH tự chủ được quy định mức học phí cao sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của con em nông dân, người nghèo, Phó Thủ tướng cho rằng “mối quan tâm đấy là hoàn toàn chính đáng”.

Tuy nhiên, có thực tế cần tính đến là với mức học phí hiện quá thấp trong khi ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư thì không thể nâng cao chất lượng ĐH đầu ra. Cùng với đó, hàng năm có rất nhiều sinh viên, học sinh phổ thông ra nước ngoài học hoặc “du học tại chỗ” với mức học phí cao gấp hàng trăm lần học phí trong nước.

Vì vậy, việc nâng học phí để nâng chất lượng đào tạo ĐH nhằm thu hút người học có khả năng chi trả và kết hợp với ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho sinh viên nghèo, con em nông dân, đối tượng chính sách... không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của các em.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trường ĐH A trước khi tự chủ thống kê thấy trong số 1.000 sinh viên có khoảng 300 em thuộc đối tượng khó khăn, gia đình chính sách. Vậy khi trường nâng học phí phải kèm theo quy định có 300 học bổng hỗ trợ cho những sinh viên như vậy. Cùng với đó, phần ngân sách của Nhà nước trước đây cấp cho chi thường xuyên, đầu tư sẽ chuyển thành hình thức hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, “đặt hàng” nghiên cứu khoa học đối với các trường ĐH.

“Tóm lại ngân sách Nhà nước không cắt tiền đầu tư cho giáo dục ĐH nhưng cần thay đổi cách thức để tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm của nhà trường. Tự chủ không phải là Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục ĐH chỉ có điều là thay đổi cách đầu tư”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cốt lõi là mô hình quản trị

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cũng như các bộ ngành cần tháo gỡ từng bước tiến tới bỏ toàn bộ các quy định quản lý Nhà nước không cần thiết đối với các trường ĐH, đối với một nền giáo dục tiên tiến.

Vấn đề vướng mắc rất lớn đối với tự chủ ĐH, theo Phó Thủ tướng là mô hình quản trị ĐH, "rất cần bàn thảo sâu và nếu không có đột phá điểm này thì rất khó thực hiện tự chủ ĐH”.

Phó Thủ tướng cho rằng mô hình hội đồng trường là nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH, chuyển từ mô hình quản trị hành chính một thủ trưởng sang mô hình quản trị cá nhân kết hợp với tập thể khi các cơ quan hành chính chủ quản không còn can thiệp vào hoạt động của trường. Nhưng thực tế thời gian qua, hội đồng trường trong các trường công lập chưa phát huy được vai trò đúng nghĩa, quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng.

Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo nghị định của Chính phủ về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đối với khối ĐH sẽ đặt hội đồng trường là cơ quan quản lý cao nhất, toàn quyền lựa chọn Hiệu trưởng, Hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường.

Kết thúc phần tham luận, Phó Thủ tướng chia sẻ: Đổi mới ĐH phức tạp vì liên quan đến con người, trong giới trí thức, chúng ta cần nhận thức sâu sắc, thấu triệt, trách nhiệm và quyết tâm thực hiện ở mức cao hơn.

Theo Đình Nam/chinhphu.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​