Sắp có phương án tuyển sinh năm 2017
- Details
- Đăng ngày 23/08/2016 Lượt xem: 2607
(GDVN) - Vụ trưởng Vụ Đại học cho biết, hiện nay, Bộ đã lấy ý kiến của các trường Đại học, các sở GD&ĐT về phương án tuyển sinh sắp tới.
“Thí sinh ảo” đã được nhìn nhận từ khi xây dựng Quy chế tuyển sinh
Lý giải về tình trạng hết thời gian đăng ký nhập học đợt I mà còn rất nhiều trường vẫn không nhận đủ chỉ tiêu tuyển sinh, đa số ý kiến đều cho rằng do tình trạng “thí sinh ảo”.
Trao đổi với báo chí vào sáng 22/8, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thừa nhận: “Không chỉ bây giờ vấn đề “thí sinh ảo” mới được nói đến, bàn đến.
Bởi ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào Quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Nguyễn Khang)
Những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký thi/xét tuyển vào đại học tương đối ổn định trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.
Mặt khác, việc phân luồng sau trung học phổ thông cũng đạt được những kết quả nhất định; những thông tin về thị trường lao động, về thất nghiệp và việc làm đã đầy đủ hơn, là những kênh tham khảo hữu ích cho người học.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn còn ở mức hạn chế, thông tin về thị trường lao động gần đây cũng đã tác động đến quyết định nhập học đại học của một số thí sinh.
Để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, trong Quy chế tuyển sinh năm nay cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước.
Và trong mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác” không và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc ảo và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...
“Trước khi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển.
Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “thí sinh ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định.
Khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt I, Bộ GD&ĐT đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán “thí sinh ảo”…
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: “Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ “thí sinh ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển…
Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc khó nhưng không phải là không trường nào làm được”.
“Một số trường như Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), Trường Đại học Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học”, bà Phụng nêu minh chứng.
Nhiều trường xác định chỉ tiêu chưa dựa vào nhu cầu học của xã hội
Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển Đại học là 404.282, trong khi tổng tiêu Đại học là 317.639, hệ số dư là 1,27.
Hơn nữa, năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia của 120 cụm thi (bao gồm 70 cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD&ĐT và Cục Nhà trường chủ trì) đều được các cụm thi công bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định.
Nhưng nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững; chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà.
Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
Việc tư vấn tuyển sinh cũng chủ yếu dựa vào chỉ tiêu và Quy chế tuyển sinh, chưa chú trọng tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường, ngành có chất lượng đào tạo thực tế đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội…
Bà Phụng cảnh báo: “Các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Để nâng cao chất lượng thì phải hạn chế tối đa việc tăng quy mô”.
Phương án tuyển sinh năm 2017 sẽ công bố vào đầu năm học mới
Vụ trưởng Vụ Đại học cho biết, hiện nay, Bộ đã lấy ý kiến của các trường Đại học, các sở GD&ĐT về phương án tuyển sinh sắp tới và đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, tham mưu trong việc xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất, công bố vào đầu năm học tới.
Tuy nhiên, tình trạng trên không chỉ giải quyết bằng chính sách tuyển sinh. Tuyển sinh chỉ là một công đoạn đầu của quá trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu vào và là điều kiện cần để có chất lượng đầu ra.
Đối với lĩnh vực giáo dục Đại học, Bộ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu trong những năm sắp tới đó là quy hoạch mạng lưới, tự chủ đại học và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trong thời gian tới, công tác kiểm định chất lượng sẽ được tăng cường trong toàn hệ thống.
Theo đó, tiêu chuẩn kiểm định sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn kiểm định của ASEAN (AUN) để chất lượng đào tạo của Việt Nam tiệm cận với các chuẩn quốc tế.
Các kết quả kiểm định, xếp hạng, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của các trường sẽ được dùng để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục Đại học, để xác định mức độ tự chủ cho trường đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, các thông tin này sẽ được công khai để cơ quan quản lý trực tiếp các trường công lập điều chỉnh chính sách, chỉ đầu tư cho các trường sử dụng hiệu quả nguồn lực (tránh đầu tư dàn trải), sắp xếp lại các trường hoạt động kém hiệu quả…
Đặc biệt, việc công khai các thông tin về chất lượng đào tạo nêu trên là để xã hội và người học biết và lựa chọn cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng.
Theo Thùy Linh/Giáo dục Việt Nam