Chọn nghề, chọn trường rất hệ trọng, thí sinh không được tùy tiện
- Details
- Đăng ngày 16/07/2016 Lượt xem: 1810
(GDVN) - Nếu bạn chọn đúng nghề, đúng năng lực của bản thân nhưng nền kinh tế khi ấy không cần nguồn nhân lực đó thì buộc bản thân bạn phải thay đổi, phải nỗ lực hơn.
Thời điểm công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang tới gần, điều mà cả thí sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm, lo lắng lúc này là chọn trường nào để đăng ký? Nên chọn trường “hot” hay chọn theo sở thích?
Việc lựa chọn nghề, chọn trường khi đăng ký xét tuyển đối với mỗi thí sinh là bài toán nghiêm túc chứ không được làm tùy tiện.
Đó là lời khuyên của TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) gửi tới các thí sinh tham dự kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016.
Nguyên tắc lựa chọn ngành nghề
Theo TS.Nguyễn Tùng Lâm, thí sinh cần lựa chọn ngành nghề dựa trên 3 nguyên tắc:
Chọn nghề, chọn trường là bài toán nghiêm túc, thí sinh không được làm tùy tiện (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thứ nhất: Bản thân mỗi thí sinh phải tự đánh giá năng lực, sở trường, ước mơ của mình là gì? Và điều phải nhớ rằng, chọn ngành nghề dựa trên sức mạnh của bản thân chứ không phải chỉ dựa vào mong muốn.
Thứ hai: Phải căn cứ vào thị trường lao động để tìm hiểu ngành nào đang cần lao động kết hợp với năng lực của bản thân để đăng ký xét tuyển, chứ không thể học cái mà mình thích nhưng nhu cầu xã hội lại không cần, như vậy sẽ gây lãng phí.
Thứ ba: Trong quá trình học tập, làm việc hiệu quả đạt đến đâu phụ thuộc vào năng lực của bản thân là chính nên có thể nghề đó không “hot” nhưng có thể xã hội vẫn có nhu cầu nên buộc thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ trên cơ sở thực tế và năng lực bản thân để quyết định học chứ không phải cốt để đi học, học chỉ lấy bằng cấp là điều hết sức nguy hiểm.
Khi lựa chọn ngành nghề, nếu vừa phù hợp với sở thích vừa hợp với xu hướng phát triển của xã hội là điều rất tốt, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong mọi việc không phải tất để đều thuận lợi theo ý mình mà nó có thể chuyển đổi từ người này sang người khác, một lần thất bại thì đó chưa phải là thất bại.
Sở dĩ như vậy vì có thể bạn chọn đúng nghề, theo đúng năng lực nhưng nền kinh tế khi ấy không cần thì lúc đó buộc bản thân phải thay đổi, phải nỗ lực hơn. Đời là như thế, không thể ai cũng suôn sẻ mọi việc.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm giải thích thêm:
"Theo nguyên tắc là chọn nghề trước rồi mới chọn trường, tuy nhiên, thí sinh cần cân đối giữa nghề và trường để lựa chọn cho phù hợp với bản thân bởi thực tế, chất lượng đào tạo quyết định đến năng lực khi ra trường.
Rõ ràng, dù là ngành nghề “hot” thì cũng chỉ “hot” trong một khoảng thời gian nào đó chứ không kéo dài mãi mãi, và có thể “hot” với người này nhưng không “hot” với người khác.
Nếu bạn không có năng lực, sở trường với lĩnh vực đó thì dù có đỗ đạt sẽ vẫn thất bại.
Cho nên, việc chọn nghề, chọn trường là bài toán nghiêm túc nên không thể làm một cách tùy tiện".
286.000 thí sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp: Liệu đây có là một tín hiệu đáng mừng?
Theo thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT, năm nay số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia hơn 887.000, trong đó có đến 286.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 32%. Liệu đây có là một tín hiệu đáng mừng cho “bài toán” nan giải về tình trạng cử nhân thất nghiệp?
TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Nhìn nhận điều này, TS.Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đừng chỉ nhìn nhận con số 286.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp là đáng mừng, là tiến bộ bởi lẽ con số này chia làm 3 xu hướng:
Thứ nhất, nhiều thí sinh đánh giá đúng về năng lực của mình, các em thấy việc học đại học, cao đẳng không phù hợp nên các em chọn học nghề, không chạy đua bằng cấp. Đây là định hướng tích cực, tốt.
Thứ hai, kỳ thi quốc gia năm nay, dư luận đang lo ngại giữa hội đồng thi tốt nghiệp và hội đồng thi đại học có việc chấm dễ, chấm khó, dù không muốn nhưng chúng ta cũng phải nghĩ tới, nếu xảy ra việc chấm dễ, chấm khó thì rất có thể nhiều thí sinh trong số các em chỉ thi để xét tốt nghiệp nhưng do đạt điểm cao nên các em lại đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thứ ba, nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng vì lười học, không có ý chí phấn đấu, học cho xong chuyện, thi chỉ để lấy bằng.
Theo Thùy Linh/Giáo dục Việt Nam