Năm nay, thí sinh không được rút hồ sơ đã đăng ký
- Details
- Đăng ngày 05/07/2016 Lượt xem: 2665
(GDVN) - Chiều 4/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2016, tại đây nhiều vấn đề “nóng” được lãnh đạo Bộ trao đổi.
Phương hướng đổi mới kỳ thi
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được coi là phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia.
Vì vậy, sau kỳ thi này, Bộ GD&ĐT sẽ bàn với các ngành, các địa phương, căn cứ tình hình thực tiễn trong những năm gần đây để quyết định phương thức thi, tuyển sinh trong năm 2017.
Đổi mới thi trên tinh thần tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học, để các trường tự chủ việc thi, tự chủ xét tuyển.
Những năm qua, do nhiều trường đại học chưa đủ năng lực nên Bộ GD&ĐT vẫn phải đứng ra tổ chức kỳ thi chung cho tất cả các trường.
Thực tế những năm qua đã có một số trường chủ động thi, như Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển thông qua kỳ thi đánh giá năng lực.
Sắp tới, chúng ta cần bảo đảm có một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng nhất, còn xét tuyển đại học thì để các trường tự chủ.
Có thể đầu năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra phương hướng nền tảng, “sườn” đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng”.
Đề mở, chắc chắn việc chấm cũng sẽ “mở”
Về câu hỏi đề thi năm nay được đánh giá tốt, Bộ GD&ĐT có dự định triển khai hình thức tương tự trong các năm tiếp theo,Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng:
Đề thi năm nay đã đạt được yêu cầu của kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân loại cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, điều này có thể cải thiện được phổ điểm giúp cho các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh được thuận lợi, nhất là các trường tốp trên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì họp báo
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, có nhiều nội dung liên hệ với thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển Đại học, Cao đẳng.
Nội dung đề thi cải tiến mạnh so với kỳ thi 3 chung. Thí sinh chỉ cần học, ôn tập trong chương trình, sách giáo khoa, tích lũy kiến thức nên không cần học thêm, không có luyện thi.
Chúng ta sẽ tiếp tục cải thiện đề thi theo hướng tăng thêm yêu cầu kiểm tra năng lực thí sinh.
Việc ra đề thi đảm bảo 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng là rất khó khăn, nên cần phải có thực nghiệm nhất định và có thời gian đổi mới dần. Nếu đổi mới quá nhanh, thí sinh sẽ không thể bắt nhịp kịp.
Theo lãnh đạo Bộ, đề mở thì chắc chắn đáp án sẽ phải mở. Nếu không vi phạm thuần phong mỹ tục, không trả lời sai câu hỏi thì mọi sáng tạo, ý tưởng của thí sinh đều được chấm điểm.
Trước câu hỏi có người tung tin lộ đề thi Ngữ văn trên mạng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã có văn bản trả lời chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Thông tin thất thiệt về lộ đề thi, đề thi sai từng diễn ra từ những năm trước đây, gây nhiễu loạn tinh thần sĩ tử", Thứ trưởng Ga nói.
Việc đưa các thông tin chưa được kiểm chứng một cách chính xác sẽ khiến thí sinh hoang mang.
Do vậy, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để có câu trả lời gần như ngay lập tức về vấn đề này để thí sinh và xã hội yên tâm.
Kiểm soát khắt khe khâu chấm thi
Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo chuẩn bị đội ngũ chấm thi. Đến ngày 20/7, tất cả các cụm thi phải chấm xong bài của thí sinh. Yêu cầu đảm bảo kế hoạch chấm thi hết sức khắt khe.
Năm nay, sau khi chấm xong, các trường, địa phương, đại học chủ trì chấm thi gửi kết quả đến Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ công bố kết quả chấm thi tại tất cả các cụm thi, đảm bảo đường truyền ưu tiên thực hiện thông suốt, tránh sự quá tải giống năm ngoái.
Cán bộ chấm thi phải được tập huấn về công tác làm tròn điểm đến hai chữ số, chấm hai vòng độc lập giữa giám thị 1 và giám thị 2. Công tác chấm thi phải được thực hiện tốt, tạo sự công bằng và niềm tin cho xã hội.
Bài thơ Tiếng Việt trong đề Ngữ văn được trích dẫn chính xác
Tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, riêng tư liệu trong đề thi Văn lấy trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 – 1985 được xuất bản khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống, có độ tin cậy cao.
Gần đây, PGS.TS Lưu Khánh Thơ - Em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng đề cập đến bản gốc của bài thơ này.
Đây là cuốn sách gốc, dễ dàng tìm thấy ở tất cả các thư viện trên địa bàn Hà Nội.
Nguồn ngữ liệu được sử dụng trong đề thi hoàn toàn chính xác, việc tranh luận trong văn học luôn là điều thú vị.
Liên quan phương án giảm thiểu những rủi ro trong quá trình xét tuyển sau khi có điểm thi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng khẳng định việc giảm thời gian đăng ký xét tuyển trong đợt 1 xuống 10 ngày là sự điều chỉnh có cơ sở thực tiễn.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chuẩn bị cho việc xét tuyển diễn ra thuận lợi.
Hiện tại, phần mềm xét tuyển đại học đã được xây dựng xong và sẵn sàng vận hành. Ở các trường và các địa phương, Bộ đã chỉ đạo huy động máy tính trong các ngày diễn ra xét tuyển để hỗ trợ tối đa các thí sinh đăng ký xét tuyển.
Ngoài ra, việc đăng ký xét tuyển qua mạng năm nay được kết thúc sớm trước 1 ngày để thí sinh không đăng ký xét tuyển được bằng đăng ký qua mạng có thể chọn phương thức khác.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay, các trường không công bố thông tin thí sinh dự tuyển và cũng không có thông tin để công bố nên thí sinh sẽ không bị ảnh hưởng trong việc đăng ký.
Và năm 2016, theo quy chế, thí sinh không được rút hồ sơ đăng ký. Vì vậy, các thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường để nộp hồ sơ.
Theo Thùy Linh - Xuân Trung/Giáo dục Việt Nam