Liên kết tuyển sinh theo nhóm trường
- Details
- Đăng ngày 25/02/2016 Lượt xem: 2727
Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường ĐH, CĐ liên kết, tổ chức xét tuyển theo nhóm nhưng nhiều trường vẫn còn e ngại trước phương án này
Quy chế dự thảo tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy vừa ban hành quy định các trường ĐH - CĐ, các trường thành viên của ĐHQG, ĐH vùng được tổ chức xét tuyển theo nhóm trường. Theo đó, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của quy chế.
Tăng cơ hội cho thí sinh
Trong năm 2016, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành.
Tuy nhiên, nếu đăng ký vào nhóm trường như ĐHQG Hà Nội hay ĐHQG TP HCM, cơ hội chọn ngành, chọn trường của thí sinh tăng lên. Cụ thể, thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 ngành trong cả 4 trường khác nhau của cùng một nhóm ĐHQG TP HCM hoặc đăng ký 2 nguyện vọng trong 1 hoặc 2 trường thuộc nhóm ĐHQG, 2 nguyện vọng ở một trường khác ngoài nhóm.
Học sinh lớp 12 Trường Marie Curie (TP HCM) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG TP HCM, nhóm tuyển sinh của ĐHQG TP HCM theo dự kiến ban đầu gồm 7 đơn vị thành viên: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường Khoa Y. TS Chính cho biết phương án tuyển sinh năm 2016 cho phép thí sinh chủ động chọn trường, ngành mình thích, đẩy “phần khó” sang các trường với tỉ lệ ảo tăng cao. Việc các trường cùng một phân tầng phối hợp tuyển sinh theo nhóm nhằm giảm tỉ lệ ảo khi cả nhóm dùng một phần mềm. “Phần mềm từng trường đã được hoàn thiện từ năm ngoái, năm nay chỉ cần điều chỉnh nhỏ để liên kết với nhau nhằm giảm tỉ lệ ảo và chia sẻ thông tin. Tóm lại, phương án tuyển sinh theo nhóm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh” - TS Chính nói.
Nhiều trường e dè hình thức mới
Theo đại diện ĐHQG TP HCM, hiện một số đơn vị có ý định gia nhập nhóm tuyển sinh này nhưng vẫn chưa quyết định chính thức. “Cần có thời gian để xem xét vấn đề này do phải xét đến các yếu tố có lợi cho hai bên và giải pháp kỹ thuật” - TS Chính nói.
Tuy nhiên, ngoài ĐHQG TP HCM, nhiều trường khác tỏ ra chưa sẵn sàng, khá e dè trước phương án liên kết tuyển sinh mới này. ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết hiện trường chưa có phương án về vấn đề tuyển sinh theo nhóm do còn khá mới mẻ và quy chế dự thảo chỉ giới hạn cho ĐHQG và ĐH vùng. “Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế chính thức vấn đề này, nhà trường sẽ xem xét và có thể liên hệ một số trường để xét tuyển chung. Tuy nhiên, cần có thời gian để quyết định do phương án này liên quan đến các phần mềm, nhóm ngành nghề xét tuyển, phải nộp đề án và có sự đàm phán giữa các trường” - ThS Sơn nói.
Còn theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, trường chưa có ý định xét tuyển theo nhóm trong năm nay vì đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, cần chuẩn bị trong thời gian dài. “Do Trường ĐH Luật năm nay vẫn áp dụng đề án tuyển sinh cũ, trong đó có bài kiểm tra năng lực đặc thù nên khó có thể xét tuyển chung với các trường khác” - ông Hải giải thích.
PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường ông đang xem xét việc xét tuyển theo nhóm. Nếu phương án này được nhà trường thông qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM hoặc thỏa thuận để gia nhập vào nhóm của ĐHQG TP HCM hoặc lập một nhóm riêng để giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn ngành nghề.
Theo LÊ THOA/Nld.com.vn