“Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể” vào đề Ngữ văn lớp 10
- Details
- Đăng ngày 12/06/2015 Lượt xem: 2201
(GDVN) - Để giải quyết câu nghị luận này, nhiều thí sinh tỏ ra bế tắc và chịu “bó tay” trước yêu cầu của đề Ngữ văn lớp 10 tại Hà Nội.
10 giờ sáng nay các thí sinh dự thi Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội kết thúc thời gian làm bài môn Ngữ Văn. Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Nhân Chính cho thấy, nhiều thí sinh ra sớm, khi được hỏi nhiều em lắc đầu với câu hỏi nghị luận xã hội.
Câu hỏi nghị luận liên quan tới đoạn trích trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Đề bài hỏi: “Từ đoạn trích trong tác phẩm trên và những hiểu biết xã hội, em hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể”.
Các thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại Trường THPT Nhân Chính sáng nay. Ảnh Xuân Trung
Bước ra khỏi phòng thi từ sớm, em Nguyễn Khánh Huyền, học sinh Trường THCS Thái Thịnh tỏ ra khó thải mái, em cho biết đề thi Ngữ văn năm nay tương đối khó, tuy nhiên do thời gian thoải mái nên em đã giải quyết hết các câu hỏi.
Riêng với câu nghị luận xã hội, Huyền cho hay phải mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ và vận dụng kiến thức đời sống để giải quyết câu hỏi này.
Đối với em Hoàng Ngọc Long, học sinh trường THCS Việt Nam Angielia thi vào Trường THPT Nhân Chính thì đề Ngữ văn năm nay không khó lắm. Tuy nhiên, với câu nghị luận Long tỏ ra khó khăn.
“Câu này không phải là không có thời gian để làm, nhưng em bị mất nhiều thời gian cho các câu khác. Hơn nữa, câu nghị luận đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều, vận dụng kiến thức thực tế, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là rất rộng. Câu này em chưa kịp làm” Long cho biết.
Tại điểm trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm ghi nhận cho thấy, thí sinh tại đây kết thúc thời gian làm bài đều hồ hởi.
Theo đánh giá chung của các thí sinh năm nay, đề thi môn Ngữ Văn khá sát với chương trình học, phù hợp với sức của các em. Riêng phần nghị luận xã hội được các em cho rằng khá mới.
Em Phạm Hà My tại hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm chia sẻ: “ Em thấy đề văn khá dễ, cách ra đề có vẻ mới mẻ hơn mọi năm, em làm rất ổn, chắc chắn bài của em phải đạt từ điểm 8”.
Đồng ý kiến với Hà My, em Đặng Anh Khoa, học sinh Trường THCS Nguyễn Du cười tươi cho biết: “ Em thấy đề không khó, phần 1 em làm khá tốt, phần 2 ở câu nghị luận xã hội em làm cũng được vì qua những lần sinh hoạt tập thể của lớp, em rút ra rằng giữa cá nhân và tập thể phải có một sự gắn kết chặt chẽ và hòa đồng thì tất cả mọi việc đều rất suôn sẻ”.
Trong buổi sáng, thời tiết cũng dễ chịu ủng hộ các thí sinh làm bài. Thí sinh Bùi Hải Long học sinh Trường THCS Vân Hồ chia sẻ: “ Mức độ đề thì không khó, em làm được khoảng 80%, câu nghị luận xã hội em làm không tự tin lắm, nhiều bạn trong phòng cũng vậy ”.
Tương tự em Phạm Mai Anh học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết: “ Em làm khá ổn phần 1 , riêng phần 2 thì câu cuối em hơi bối rối lúc đầu nhưng về sau với kiến thức của bản thân thì em làm cũng trôi chảy, chắc em phải được trên điểm 8”.
Thí sinh Nguyễn Duy Huy, học sinh lớp 9A4 trường THCS Nguyễn Du cho biết, khi đọc đề có chút bối rối, nhưng sau khi suy nghĩ vấn đề liên quan đến câu hỏi thì các ý tưởng hiện ra.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm. Ảnh Xuân Hải
“Ý tưởng đầu tiên nảy ra trong đầu em là những người sống trong tập thể như thế nào, sống cá nhân như thế nào. Những biểu hiện của người sống cá nhân và những người sống tập thể.
Những người sống theo chủ nghĩa cá nhân đáng chê trách. Lần này nói chung đề tương đối ổn. Em mất khoảng 35 phút cho câu này. Em vận dụng những điều nhìn thấy trong cuộc sống, những điều đã đọc trên sách báo để làm câu này. Điểm số dự kiến em đạt được là 8 điểm” Huy vui vẻ nói.
Trong khi đó, em Nguyễn Bảo Linh, lớp 9A1 trường THCS Tây Sơn cùng tâm trạng vui mừng với các thí sinh khác. Bảo Linh cho biết, đề thi văn năm nay khá dễ vì Linh đã ôn tập rất kỹ.
“Em viết về mối quan hệ của mình với mọi người tập thể gắn bó đoàn kết ra sao. Chỉ cần nghĩ một chút là có ý tưởng viết. Em viết về quan hệ của mình với bạn bè gắn bó, hòa đồng, thân ái, giúp đỡ và quan tâm nhau như thế nào.
Đó là ý em khai thác được nhiều. Sau đó em viết về mối quan hệ của mình với gia đình. Rồi mối quan hệ của bố mẹ với xã hội. Sau bài thi hôm nay em nghĩ mình được 8,5” Bảo Linh tự tin cho biết.
Cùng điểm thi, em Đặng Khánh Linh, trường THCS Chương Dương nói về cách làm câu nghị luận: “Em phân tích cá nhân là gì. Tập thể là gì? Cộng đồng là gì? Sau đó em nói lên hiện trạng trong xã hội hiện nay về mối quan hệ này.
Ngoài ra em kể về những trường hợp ở trường em về bài tập nhóm cô giao, các bạn làm việc như thế nào. Em nêu cách khác phục và tuyên truyền một người vì mọi người. Em quan sát việc cô giáo cho bài tập trên lớp, bài tập nhóm từ đó em viết ra”.
Nhận định về đề Ngữ văn sáng nay, thầy Nguyễn Phi Hùng, tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội có cấu trúc tương tự như đề thi các năm trước.
Đề thi gồm hai phần, kiểm tra kiến thức và kỹ năng đọc hiểu văn bản ở hai phần thơ và văn xuôi. Câu 1, 2, 3 của phần I và câu 1, 2 của phần II tái hiện kiến thức và nhận biết, phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ. Đây là phần dễ "ăn điểm" đối với thí sinh.
Câu 4 của phần I và câu 3 của phần II yêu cầu viết đoạn văn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp về thực tế cuộc sống, nội dung tác phẩm văn học, đồng thời phải có kỹ năng diễn đạt, trình bày quan điểm của cá nhân một cách mạch lạc.
Hai câu 4 phần I và câu 3 phần II là điểm nhấn. Các câu hỏi này đều định hướng học sinh về tinh thần công dân, trách nhiệm của cá nhân trước tập thể và ý thức lao động, góp phần dựng xây đất nước.
Đây chính là những câu hỏi hay và chiếm trọng số điểm cao trong toàn bộ đề thi và phân hóa đối tượng học sinh. Với đề thi này, học sinh chăm chỉ, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể hy vọng đạt 7, 8 điểm.
Xuân Trung - Xuân Hải - Huyền Chi
Theo Gíao dục Việt Nam