Học trò và cha mẹ kêu than, Bộ thay đổi, nhưng vẫn chưa đủ
- Details
- Đăng ngày 15/08/2015 Lượt xem: 1524
(GDVN) - Thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 sắp kết thúc. Hiện các trường liên tục thay đổi điểm chuẩn khiến thí sinh lo lắng để rút hồ sơ, đổi nguyện vọng.
Trải qua 15 ngày của đợt xét tuyển đổi mới trong kỳ thi “hai trong một” yêu cầu thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin, di chuyển nhiều để nộp – rút hồ sơ, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.
Thí sinh, phụ huynh đồng thanh kêu than buộc Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản thay đổi, hướng dẫn trấn an tinh thần cho họ.
Mới đây nhất vào chiều ngày 11/8, nhằm giải quyết tình trạng thí sinh đặc biệt là thí sinh ở vùng xa phải “ăn đợi nằm chờ” ở các trường Đại học để “rút – nộp” rồi “nộp – rút”, Bộ GD&ĐT đã có văn bản khẩn yêu cầu các Sở GD&ĐT ở địa phương hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng kí xét tuyển Đại học, Cao đẳng và chỉ đạo các trường THPT mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp thí sinh tra cứu và cập nhật thông tin.
Điều này có nghĩa là, thí sinh có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường Đại học hoặc có thể đến Sở GD&ĐT địa phương hoặc tới các trường THPT do Sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển.
Quy định mới, mục tiêu là làm giảm bớt gánh nặng cho thí sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại số lượng các thí sinh đến các trường, các Sở để làm thủ tục này còn ở số lượng rất thấp.
Mặc dù các cán bộ ở Sở đã sẵn sàng hỗ trợ, “phục vụ” thí sinh tuy nhiên dường như văn bản mới này của Bộ chưa đủ làm thí sinh, phụ huynh an tâm.
Lượng thí sinh vẫn ồ ạt đổ xô về các trường Đại học đặc biệt ở hai thành phố lớn
Theo Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Sở đã có văn bản gửi đi các trường để hỗ trợ thí sinh. Tuy nhiên, có thể là do Vĩnh Phúc giáp với Hà Nội nên số lượng thí sinh tới rút hồ sơ và chuyển ngành rất ít mới chỉ 3 trường hợp”.
Vĩnh Phúc là thế, còn các tỉnh ở vùng sâu vùng xa, xa Hà Nội thì sao?
Đại diện Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Sở GD&ĐT tỉnh Sơn la đã nhận được yêu cầu của Bộ GD&ĐT và tiến hành thực hiện theo hình thức các trường cập nhật thông tin báo cáo lên Sở để Sở có dữ liệu báo cáo lên Bộ.
Tuy nhiên, có thể do quy chế mới nên thí sinh chưa an tâm, tin tưởng. Chính vì vậy số lượng hồ sơ mà Sở chúng tôi nhận được chưa được 10 hồ sơ”.
Thí sinh và phụ huynh chưa hoàn toàn yên tâm vào cấp Sở bởi các thủ tục, mẫu phiếu đăng ký xét tuyển lấy ở đâu, hồ sơ gồm những gì…nhiều trường THPT chưa hẳn đã nắm rõ để giải đáp cho thí sinh.
Chính vì vậy lượng thí sinh vẫn ồ ạt đổ xô về các trường Đại học đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cảnh phụ huynh thức khuya dậy sớm để đưa con đi nộp, rút hồ sơ vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Hơn nữa, do Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT cập nhật thông tin rồi gửi về Bộ đến hết ngày 20/8. Vậy, với những những thí sinh đến ngày 20/8 mới thay đổi thì sao, liệu các Sở có cập nhật kịp?
Sự không yên tâm này được PGS. TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Quản lý và Đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ trên báo Quân đội nhân dân:
Việc thí sinh rút hồ sơ qua Sở GD&ĐT hoặc qua trường sở tại của các em sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các trường đại học bởi sau 20/8, các trường sở tại và các sở mới nộp danh sách về cho chúng tôi, như vậy điểm xét tuyển, cũng như điểm trúng tuyển của các trường sẽ gặp khó khăn.
Đó là chưa nói đến vấn đề trục trặc hồ sơ đó như thế nào qua đường bưu điện, có khả năng xảy ra những thất lạc trên đường đi. Như vậy chúng tôi rất khó xác định thí sinh có tham gia xét tuyển vào trường hay không hay đã rút hồ sơ rồi.
Chúng tôi cũng không biết có bao nhiêu người rút để loại những hồ sơ đó ra, việc đó sẽ tạo cơ hội cho các em có điểm ngay sát đó có cơ hội hy vọng được đứng trong đội ngũ trúng tuyển.
Như vậy, một kì thi Đổi mới với kỳ vọng giảm tải áp lực cho thí sinh, phụ huynh đã thực sự như mục tiêu đưa ra hay chưa?
Theo Ngọc Bích/Giaoduc.net.vn