Cả học trò lẫn cha mẹ mệt mỏi, áp lực với đăng kí xét Đại học, Cao đẳng


          (GDVN) - "Mấy ngày gần đây, nhiều phụ huynh ở nơi tôi ở đã xin nghỉ làm để đưa con vào thành phố cách nhà hàng mấy trăm cây số, nộp hồ sơ và theo dõi kết quả"
          LTS: Thời điểm này, nhiều phụ huynh, học sinh đặc biệt đối với các em vùng xa đang than trời với quá nhiều áp lực khi nộp và rút hồ sơ ở các trường Đại học.

          Thấm thía, đồng cảm với áp lực đó, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này.

          Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

          Chưa kịp mừng vì việc cải cách kì thi trung học phổ thông Quốc gia năm nay đã giảm bớt được chi phí cho học sinh và gia đình các em khỏi phải đi lại nhiều lần tham dự các đợt thi Đại học, Cao đẳng như trước đây.

          Thì đến thời điểm này, nhiều học sinh, nhiều phụ huynh đặc biệt đối với các em ở vùng khó, các em gia đình nghèo đang than trời với quá nhiều áp lực khi bị đẩy vào ma trận nộp hồ sơ vào và rút hồ sơ ra ở các trường Đại học.

          Với những em học sinh thi đạt số điểm cao còn yên tâm vì mình sẽ đậu thì phần lớn những học sinh còn lại đang như ngồi trên đống lửa bởi không biết mình có thể đỗ hay trượt.

Mệt mỏi, áp lực với việc đăng kí xét Đại học năm nay (Ảnh: vnexpress.net)

          Một số em gia đình có máy tính kết nối mạng Internet còn có cơ hội ngồi tại nhà theo dõi xem số lượng hồ sơ nộp vào trường và thứ tự của mình ở đâu để tiện cho việc phán đoán mình có khả năng đỗ hay không.

Khổ nhất là học sinh ở vùng khó khăn, mạng Internet chập chờn hay nhiều gia đình lại không có máy tính hoặc có máy tính cũng không có tiền nối mạng phải chạy ra ngoài tiệm đóng đô cả ngày, số tiền cũng không phải là ít.

          Mấy ngày gần đây, nhiều phụ huynh ở nơi tôi ở đã xin nghỉ làm để đưa con vào thành phố cách nhà hàng mấy trăm cây số, nộp hồ sơ và theo dõi kết quả.

          “Đi cho yên tâm, chứ ngồi nhà cũng sốt ruột lắm, chi phí cho việc đi lại và sinh hoạt của hai người cũng rất tốn kém, sợ nguyện vọng một không đỗ sẽ nộp tiếp nguyện vọng 2,3 và tiếp tục chờ. Dù mệt mỏi cũng phải gắng đợi chứ cứ đi đi, về về còn vất vả hơn”.

          Anh Hùng phụ huynh một học sinh ở Tân An đã chia sẻ. Không may mắn như nhà anh Hùng, nhà chị Đào là gia đình thuộc hộ nghèo của xã, hôm con đi thành phố thi, bà con người cho dăm bảy chục, người cho vài trăm nên cũng đỡ.

          Còn bây giờ, chị Đào phải chạy đi mượn cho con ít tiền và dặn con cứ ở lại thành phố đợi đến hết đợt xét tuyển rồi mới về không thì sẽ không có tiền đi lại.

          Nhiều em khác còn tỏ ra lo lắng: “Con ở nhà theo dõi kết quả xét tuyển chỉ sợ khi biết mình trượt nguyện vọng 1 lại không kịp đi vào rút hồ sơ để nộp qua trường khác lại trượt oan thì đáng tiếc lắm”.

          Đó chỉ là hai trong số rất nhiều học sinh đang gặp khó khăn cho chi phí đi lại, ăn ở để chờ đợi kết quả xét tuyển Đại học năm nay.

          Đây là năm đầu tiên thực hiện việc thi và xét tuyển mới. Hy vọng từ những điểm chưa thật sự thuận lợi cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự điều chỉnh phù hợp hơn ở những năm tiếp theo để tránh đi phần nào những vất vả, khó khăn và áp lực cho học sinh và gia đình các em.

 

Theo Phan Tuyết/giaoduc.net.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​