Nhiều trường xét tuyển từ điểm sàn
- Details
- Đăng ngày 30/07/2015 Lượt xem: 1583
Để có thể tuyển đủ thí sinh, nhiều trường ĐH công bố điểm xét tuyển bằng ngưỡng chất lượng đầu vào mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố
Dù Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga lưu ý các trường không nên xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT để nâng cao chất lượng nhưng nhiều trường vẫn công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn.
“Vét” từ sàn vì bị động
Bộ GD-ĐT khẳng định nguồn tuyển năm nay khá dồi dào với hệ số dôi dư là 1,5 lần nhưng nhiều trường vẫn lo lắng về tuyển sinh. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cho biết do năm đầu đổi mới tuyển sinh nên không lường hết được khả năng tuyển sinh của trường. Thí sinh được thoải mái nộp - rút hồ sơ nên độ ảo rất lớn, các trường không chủ động được mà chỉ ngồi chờ vì đến tận ngày cuối cùng vẫn không biết trường mình có bao nhiêu thí sinh. “Chúng tôi có lẽ phải túc trực 24/24 chờ thí sinh đến” - ông Nghị nói.
Vị hiệu trưởng này nói thêm Trường ĐH Dân lập Hải Phòng đã chuẩn bị sẵn 2 phương án tuyển sinh: Một là, xét tuyển bằng điểm sàn của bộ; hai là, xét điểm trung bình 3 năm của thí sinh theo các tổ hợp với mức từ 6 trở lên đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ.
Trường ĐH Phương Đông cũng có 2 phương án xét tuyển: Một là, xét tuyển thí sinh có điểm bằng sàn trở lên; hai là, xét tuyển theo kết quả học tập trong 5 học kỳ với tổng điểm trung bình 3 môn học của khối xét tuyển từ 18 điểm trở lên với hệ ĐH và 16,5 điểm trở lên với hệ CĐ. Trường này sẽ xét tuyển những thí sinh có kết quả từ điểm sàn trở lên.
Lo lắng của GS Trần Hữu Nghị không phải không có lý do khi một loạt trường công lập, thậm chí là những trường ở tốp trên, cũng cho hay sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bằng đúng điểm sàn. Một trong những trường có thương hiệu khá danh giá là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông công bố mức điểm nhận hồ sơ của học viện năm nay là 15. Hai trường danh giá khác là Học viện Ngoại giao và Trường ĐH Dược Hà Nội cũng cho biết trường nhận hồ sơ đạt từ 15 điểm ở tổ hợp 3 môn. Trường ĐH Lao động - Xã hội thông báo sẽ nhận hồ sơ xét tuyển vào hệ ĐH chính quy nguyện vọng 1 (đợt 1) năm 2015 với những thí sinh có kết quả thi THPT tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì từ 15 điểm trở lên. Học viện Chính sách và Phát triển cũng khiêm tốn nhận hồ sơ xét tuyển của các thí sinh có mức điểm từ sàn trở lên. Một loạt trường khác như ĐH Thủy lợi, ĐH Nội vụ cũng sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng tối thiểu mà Bộ GD-ĐT quy định. Theo lãnh đạo các trường này, trường sẽ xét tuyển từ mức sàn Bộ GD-ĐT công bố, sau đó xét theo độ dốc để công bố điểm trúng tuyển vào trường.
Thí sinh nhận phiếu báo điểm tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, sáng 29-7 Ảnh: TẤN THẠNH
Tại TP HCM, ThS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), cho biết những năm trước, Bộ GD-ĐT có định số dư để các trường xét tuyển nhưng nhiều trường tuyển sinh không đủ. Năm nay, tỉ lệ tăng 50% nhưng không chắc các trường sẽ tuyển đủ.
Năm 2015, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển 4.800 chỉ tiêu bậc ĐH và 1.500 chỉ tiêu bậc CĐ vào tất cả các ngành nghề đào tạo của trường. Trong đó, trường dành 50% xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 50% xét từ kết quả học bạ THPT. Trường xét tuyển đầu vào là 15 điểm với bậc ĐH và 12 điểm với bậc CĐ. Tương tự, các trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ TP HCM... đều xét thí sinh có điểm chuẩn trở lên sau đó xét điểm từ trên xuống để xác định điểm chuẩn từng ngành.
Những trường tốp trên tự tin
Trái ngược với xu hướng “vét” từ sàn, các trường tốp trên lại tự tin xét tuyển với mức điểm rất cao. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh muốn xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 3 môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20 trở lên.
Mức điểm Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhận hồ sơ của thí sinh ở đợt 1 là 22 cho khối A, 20 cho 2 khối A1 và D. Riêng các khối ngành ngôn ngữ điểm nhận hồ sơ là 27 điểm do môn ngoại ngữ nhân hệ số 2. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT từ 6,5 trở lên. Trường cũng dự kiến điểm trúng tuyển năm nay có thể cao hơn năm 2014.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) lấy ngưỡng xét tuyển đầu vào là tổng điểm 3 môn thi thuộc một trong các tổ hợp đăng ký đạt từ 17 điểm (tính cả điểm ưu tiên), không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Các thí sinh cũng phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường ĐH/học viện chủ trì.
Trường ĐH Y Hà Nội yêu cầu thí sinh xét tuyển hệ bác sĩ phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ tại THPT của 3 môn toán, hóa, sinh ≥ 21 điểm; còn hệ cử nhân thì thí sinh phải có tổng điểm trung
Công bố thông tin giúp chọn trường phù hợp
Bộ GD-ĐT ngày 29-7 đã cung cấp thống kê lũy kế kết quả theo tổ hợp các môn của khối thi truyền thống để thí sinh tham khảo trước khi quyết định đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó, việc công bố thống kê cộng dồn số lượng thí sinh đạt các mức điểm khác nhau đối với các tổ hợp xét tuyển sẽ hỗ trợ thêm nguồn thông tin để thí sinh cân nhắc để lựa chọn trường, ngành học đăng ký xét tuyển phù hợp với mức điểm các em đã đạt ngoài điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển chung của các trường. Với dữ liệu này, thí sinh có thể biết mức điểm mình đạt được nằm ở vị trí, xếp hạng của mình trong từng khối thi truyền thống A, A1, B, C, D.
YẾN ANH - HUY LÂN
Theo nld.com.vn