Thi năng lực, nhà trường hoàn toàn chủ động chất lượng đầu vào
- Details
- Đăng ngày 05/06/2015 Lượt xem: 1463
(GDVN) - Đây là nhận định của bà Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Hội đồng Viện đo lường đánh giá phát triển giáo dục (Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam).
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã kết thúc đợt I, phương thức thi mới này được đông đảo thí sinh và xã hội hưởng ứng. Dư âm của Kỳ thi này đang tạo ra một luồng khí mới về đổi mới tuyển sinh, cách thi và cách học.
Một kỳ thi tiết kiệm
Quanh câu chuyện này, bà Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Hội đồng Viện đo lường đánh giá phát triển giáo dục (Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam) cho biết, việc tiến hành thi đánh giá năng lực là lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể các trường đại học có những kỳ thi riêng lẻ và đã áp dụng hình thức đánh giá năng lực này, nhưng để nói thi tuyển sinh đại học thì đây là lần đầu tiên có ở nước ta.
Qua theo dõi Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Nga đánh giá cái được của kỳ thi trước hết là phương thức thi đã bắt kịp xu hướng của thế giới, thi tuyển sinh trên diện lớn. Đây là kiểu thi mà trên thế giới đã làm.Cái được nữa, nếu xét về mặt tiết kiệm thì kỳ thi đánh giá năng lực tiết kiệm hơn rất nhiều so với Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng như trước kia.Nếu trước kia các thí sinh phải mất tới khoảng 3 ngày để dự thi thì kỳ thi đánh giá năng lực chỉ cần 1 buổi, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc.
Bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Hội đồng Viện đo lường đánh giá phát triển giáo dục
(Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam). Ảnh VNN
“Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ không còn mầm mống của tiêu cực, vì khi thí sinh thi xong sẽ được biết điểm ngay, mọi can thiệp đều không thể được. Dù sao thí sinh thi xong không biết có đỗ hay không nhưng cũng biết được kết quả của mình là bao nhiêu, điều đó khiến các em vui hơn”, bà Nga nhận định.
Điều nữa, biết được kết quả sau khi thi sẽ không cần đến giám thị chấm thi, không cần phải dọc phách. Thí sinh thi được đánh giá tổng hợp văn, toán, không cần thi theo khối A, B, C, D.
Dĩ nhiên cũng có phần riêng (tự nhiên và xã hội), nhưng cơ bản thí sinh được đánh giá tổng hợp bài thi.
“Tôi nghĩ năm tới nếu Bộ GD&ĐT còn cho các trường có phương án tuyển sinh thì các trường nên thi theo kiểu đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thì tốt hơn. Tất nhiên là không phải trường nào cũng làm được, mà nên giúp sức nhau lại để cùng làm.
Những băn khoăn
Bà Nguyễn Phương Nga mặc dù rất tâm đắc với phương thức thi mới này tại Việt Nam, nhưng cá nhân bà dưới con mắt của người trong nghề vẫn còn có những băn khoăn.
Hiện tại Đại học Quốc gia Hà Nội chưa có thống kê một cách đầy đủ. Nhưng theo phân tích dữ liệu, kết quả tại các điểm thi tỷ lệ trên 70% tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên.
Tuy nhiên, như công bố ở đề thi thì đề có 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó (nếu so với mặt bằng của học sinh học hết lớp 12 thì việc trên 70% tỷ lệ đạt điểm trên trung bình là đương nhiên = 80% cấp độ đề dễ và trung bình).
Theo bà Nga, điều quan tâm là tỷ lệ phân loại để vào đại học (20 % câu hỏi khó).Nếu 80% cấp độ đề dễ và trung bình thì phản ánh lực học của học sinh ở mức trung bình, còn 20% cấp độ đề khó là để phân loại học sinh giỏi vào đại học.
“Việc thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội là khó hơn các trường khác.Cái mà tôi quan tâm là bao nhiêu học sinh đạt 112 điểm trở lên (vì tổng điểm là 140 trừ đi 80% cấp độ đề dễ và khó thì tương đương với 112 điểm), vậy từ điểm số 113 là thí sinh bắt đầu chuyển sang câu hỏi khó, mấu chốt nằm ở đây để xem có đậu đại học hay không?” bà Phương Nga cho biết.
Theo bà Nga, câu hỏi đặt ra mục tiêu của Đại học Quốc gia Hà Nội là chọn từ học sinh khá trở lên hay là chọn học sinh trung bình có thể vào đại học? Vấn đề này quyết định đến việc ra đề thi.
Tuy nhiên, tựu chung lại theo bà Phương Nga với phương thức thi đánh giá năng lực như Đại học Quốc gia Hà Nội làm vừa qua là một bước đột phá lớn để bắt kịp thế giới.
Các kỳ thi sau này cũng nên áp dụng kiểu đánh giá năng lực vì sẽ tốt hơn nhiều do yếu tố khách quan, tiết kiệm– theo quan điểm bà Nga. Nhưng đương nhiên câu hỏi phải được thiết kế chất lượng.
Nhiều quan điểm cho rằng thi năng lực mỗi thí sinh một đề thi khác nhau, vậy em thí sinh số 1 và số 10 có giống nhau về độ khó không? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời được khi đã phân tích đề thi một cách định lượng.
“Nhưng tôi nghĩ Đại học Quốc gia Hà Nội – nơi đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ có chuyên sâu về đánh giá, các học viên đều được học phân tích các câu hỏi thi bằng phần mềm chuyên dụng dựa theo mô hình lý thuyết của Rasch (Nhà toán học của Mỹ), thì họ sẽ phân ra được cấp độ của từng câu hỏi” bà Nga nhận định.
Xuân Trung
Theo Gíao dục Việt Nam