Người thầy vùng biên giới
- Details
- Đăng ngày 21/11/2016 Lượt xem: 3282
(Chinhphu.vn) - Nhắc đến “vùng biên giới” ai cũng biết nơi đó xa xôi, khó khăn, cách trở… Nhưng nhiều thầy cô giáo đã gắn bó với vùng đất này vì ở nơi ấy, có rất nhiều em nhỏ mong được đến trường học chữ.
Giờ ra chơi. Ảnh VGP/Mai Vy.
Khi gặp thầy Phạm Công Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học
Ch’Ơm (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam), nơi bên kia dãy Trường Sơn là nước bạn Lào, người đã dạy học ở đây 20 năm, chúng tôi vừa xúc động, vừa cảm phục.
Thầy Đức cho biết ở vùng biên giới này, những thầy cô giáo có thâm niên cỡ 20 năm nhiều lắm.
Hai mươi năm trước, thầy Phạm Công Đức từ trung tâm huyện Hiên (nay là huyện Tây Giang) lên nhận công tác ở vùng đất này.
Khi ấy lên đến trường thường là đi bộ. Vào mùa mưa còn khổ nữa vì đường bị sạt lở, các xã vùng cao bị cô lập nhiều ngày… Rồi nơi ở, lớp học tạm bợ, không có điện… Nhưng khổ miết thành quen. Nhiều năm liền, các thầy cô giáo còn phải vào tận bản vận động các em tới lớp. Sau này, khi thành lập được điểm trường chính, mọi việc thuận lợi hơn...
Thầy Nguyễn Đồng Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry tâm sự, khó khăn lớn nhất không phải là kỷ luật học tập, giờ giấc đến trường của học sinh mà là việc làm thế nào để các em vượt qua rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán để tiếp thu bài học tốt nhất.
“Lên đây, chúng tôi phải nói tiếng của đồng bào, có vậy mới vận động được bà con chấp nhận cho con đến trường”, thầy Vũ nói.
Chỉ mới lên đây được vài năm nhưng thầy Nguyễn Nam, Tổng phụ trách Đội Trường THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry cho biết vui nhất là mỗi dịp Tết Trung thu. Khi ấy, các thầy cô góp tiền mua ít bánh kẹo và tự làm lồng đèn, tập múa lân để tổ chức Trung thu cho các em. Chính nhờ những hoạt động ấy, các thầy cô giáo lại thêm gắn bó với vùng đất xa xôi này...
Một tiết học ở Trường THCS liên xã Ch’Ơm- Ga Ry. Ảnh VGP/Mai Vy.
Ngoài thời gian dạy học, các thầy cô giáo còn cùng với chính quyền địa phương làm công tác dân vận, vận động người dân thay đổi tập tục lạc hậu. Qua năm tháng, họ đã được “tín nhiệm” trở thành một thành viên của bản làng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm Alăng Rép, các thầy cô giáo như “cánh tay nối dài của chính quyền” trong việc vận động bà con làm ăn, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Còn với các em học sinh thì thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai.
Họ tin rằng, trong những đứa trẻ đang học ở đây, sẽ có những em học tập tốt, thành đạt và quay trở về xây dựng bản làng. Đó là động lực lớn khích lệ họ nỗ lực vượt qua khó khăn để ở lại vùng biên giới…
Theo Mai Vy/Chinhphu.vn