Chuyện chưa kể về "Má Mai" - cô giáo ươm mầm tài năng văn chương ở Sài Gòn
- Details
- Đăng ngày 17/11/2015 Lượt xem: 1789
(GDVN) - Cách nói bình dị, cố gắng đưa những chất liệu mới vào bài giảng, mở một chuyên đề dạy Văn qua blog là những đặc điểm của cô Lê Kim Mai – trường Võ Thị Sáu.
Đã 22 năm gắn bó với nghề dạy chữ, được rất nhiều thế hệ học sinh gọi bằng một cụm từ rất thân mật “Má Mai”, cho tới nay, cô Lê Kim Mai – Tổ trưởng tổ Văn, trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã thay đổi quan niệm của rất nhiều học sinh vốn nghĩ môn Văn là khô khan.
Tận tâm, hết mình vì học trò
Với tâm niệm “Cái gì cần cho học sinh thì mình cố gắng làm”, như một con ong làm việc chăm chỉ, chuyên cần, cứ thấy điều hay, điều gì tốt, cần thiết cho học sinh, là cô Mai lại “tha” vào các bài giảng, truyền đạt kiến thức này lại cho học sinh. Chính vì vậy, trong từng giờ học của cô Mai, các học sinh chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán.
“Dạy môn Văn không chỉ là dạy kiến thức, mà qua từng sự kiện, nhân vật, cần phải truyền đạt lại cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, giúp cho các em có lối sống, lý tưởng tốt, tránh xa được cái ác, cái xấu.
Do vậy, ngoài nội dung chính là sách giáo khoa, người giáo viên cần phải hướng cho học sinh đến những giá trị nhân văn cao đẹp, mục tiêu sống tốt đẹp hơn, làm những việc có ích cho gia đình..” – cô Mai bộc bạch.
Có lần, khi biết thông tin nhiều học sinh lớp 10 của trường có định kiến, thậm chí là oải, chán nản khi đến giờ học môn Văn, cô Mai đã nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ về cách thay đổi giảng dạy, làm sao cho học sinh tiếp thu, hứng thú hơn với môn học này.
Sau đó, cô Mai đã quyết định áp dụng công nghệ thông tin vào từng bài giảng của mình, đưa thật nhiều tư liệu, chất liệu của cuộc sống, trau chuốt từng câu chữ, chủ đề để giúp cho học sinh hứng thú hơn qua từng bài giảng của mình.
Trong các giờ dạy Văn, cô Mai luôn gây sự hứng thú cho học sinh khi tiếp thu kiến thức (ảnh: T.Q)
Với sự cố gắng, tận tâm làm nhiều điều cho học trò như vậy, cô Mai đã làm cho nhiều học sinh đang từ chán, trở sang thích thú với từng giờ học môn Văn hơn. Một số học sinh đã được cô Mai dìu dắt, bồi dưỡng vào đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường, phát triển tốt năng khiếu môn học của cá nhân.
Hàng năm, cũng chính cô Mai đã truyền lửa đam mê Văn học của mình, nên nhiều học sinh từ mái trường này đã đạt được nhiều danh hiệu cao quí tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, kỳ thi Olympic 30/4 của miền Nam.
Nói về cách dạy của mình, làm sao để cho học trò thấm vào tim, lay động tâm hồn, cô Mai chia sẻ: Từ các câu chuyện cổ tích trong văn học dân gian, cô Mai sẽ giúp học sinh mở rộng tầm nhìn, nhìn rõ thấy cái thiện, cái ác. Còn đối với từng bài Văn nghị luận xã hội, cô Mai sẽ lồng ghép vào thực tế, giúp cho học sinh rút ra được bài học trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế cho phù hợp.
Nhìn chung, từ mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật của trang sách giáo khoa, cô Mai sẽ hóa giải, đưa nó vào cuộc sống đời thường, cô đọng thành một bài học giáo dục sâu sắc, có tính nhân văn sâu sắc.
Cứ sau mỗi chủ đề hay tác phẩm văn học, cô Mai đã gieo từng mầm yêu thương, mầm nhân ái tới cho học sinh, hướng cho học trò ngày càng hoàn thiện hơn về mặt nhân cách, phẩm chất để làm người tốt, sống có ích hơn cho xã hội.
Dạy Văn, học Văn qua blog
Là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô Mai luôn không bằng lòng với những gì mà mình đã giúp cho các em học sinh, mà còn hướng tới giúp cho học sinh ngày càng học tốt hơn môn Văn, bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học.
Cô Mai đã mở một blog mang tên “Chuyên đề học Văn VTS” là nơi tương tác, hỗ trợ qua lại giữa người thầy và học trò. Đây là nơi đăng tải các sản phẩm nội bộ, là những bài Văn hay, có điểm số cao trong các kỳ thi hay kiểm tra của các lớp, là nơi học sinh có thể tự viết, bày tỏ cảm nhận theo các hướng dẫn và đặt hàng từ thầy cô giáo.
Ngoài giờ học trên lớp, cô Lê Kim Mai(người mặc áo dài hoa, ở giữa) luôn gần gũi,
chia sẻ mọi quan điểm về bài giảng với học sinh (ảnh: T.Q)
Muốn có bài viết đăng tải trong blog này, học sinh cần tự gõ lấy bài viết của mình, gửi email cho các thầy cô giáo bộ môn. Khi giáo viên đã xem, cho điểm bài viết này thì mới đưa lên blog để công bố cho toàn trường biết.
Ngoài ra, tại blog này, cả học sinh và giáo viên đều có thể trao đổi thông tin một cách công khai, tạo sự tương tác cao giữa thầy và trò. Nhờ vậy, lượng người đọc và nhận xét qua trang blog này của cô Mai ngày càng đông, hiệu ứng học môn Văn cũng chính vì thể ngày càng được cải thiện tốt hơn trước rất nhiều.
Một sân chơi có ích, thiết thực nhất của cô Mai và tập thể giáo viên Văn của trường đang ngày càng trở gần gũi hơn với học sinh.
Dạy tốt Văn để ‘trả nghĩa cho đời’
Cô Lê Kim Mai đã kể lại rằng, cái duyên đến với nghề dạy môn Văn cũng đến thật bất ngờ. Cô Mai kể lại: Có lẽ, ngày đó, cái ngày đi đăng ký thi Đại học, không có mẹ ủng hộ thì giờ đây, có lẽ cô cũng đã chọn lĩnh vực kinh tế.
Khi biết cô Mai chọn ngành Sư phạm Văn, nhiều người trong gia đình và bạn bè, thậm chí cả thầy cô cũng phản đối, cho rằng nên chọn lĩnh vực kinh tế thì sẽ có tương lai, thu nhập tốt hơn.
Theo cô Lê Minh Mai, dạy tốt môn Văn chính là để 'trả nghĩa cho đời' (ảnh: T.Q)
Dù khi đi học, Kim Mai học khá đều toàn bộ các môn học, nên vẫn có thể thi vào ngành khách. Thế nhưng, cuối cùng “Mai vẫn chọn nghề Sư phạm Văn như trái tim mình mách bảo. Đây đúng là trường hợp ‘nghề chọn người’, như là một duyên số đã được định trước”.
Trong những năm tháng được theo học tại trường Đại học Sư Phạm TP.HCM lại càng nhen nhóm, bồi đắp thêm lòng yêu nghề ở cô sinh viên ham học này. Nhìn vào những tấm gương thầy cô yêu nghề, tận tâm chỉ bảo cho sinh viên, cô Mai lại càng nung nấu thêm ước mơ sẽ được nối tiếp sự nghiệp ‘trồng người’ cao cả, đền đáp công ơn của thầy cô giáo.
Cô Lê Kim Mai đã chia sẻ: Vào thời tôi đi học, đời sống khó khăn hơn bây giờ rất nhiều, nhưng thầy cô giáo vẫn luôn dành trọn tâm huyết của mình cho sinh viên, học sinh, thì lẽ nào, giờ đây, mình lại không thể noi gương theo thầy cô.
Cũng theo cô Kim Mai, chính nhờ những suy nghĩ như vậy, cô Mai đã luôn cố gắng dạy thật tốt môn Văn, cũng là một cách để tri ân thầy cô, giúp mình thành nhân, trả nghĩa cho đời, nối tiếp nghề ‘trồng người’ luôn được coi là cao quý trong xã hội hiện tại.
Theo Thế Quân/giaoduc.net.vn