Kết nối cung-cầu, phát triển thị trường khoa học và công nghệ
- Details
- Đăng ngày 25/12/2020 Lượt xem: 8036
(Chinhphu.vn) - Chuỗi kết nối cung-cầu công nghệ được tổ chức tại ĐHQGHN nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, góp phần kết nối, xúc tiến KHCN, nâng cao năng lực và tăng khả năng cạnh tranh, giúp phát triển kinh tế-xã hội.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) và Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ (Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ). Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về KHCN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa KHCN thực sự đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Bộ KH&CN cùng với các bộ, ngành đã, đang xây dựng và ban hành đồng bộ hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển thị trường KHCN.
Hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường KHCN của Việt Nam, là hoạt động định kỳ, thường xuyên được Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai ở quy mô quốc gia, vùng, qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp; thực hiện hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ và tiếp cận với các quỹ đầu tư, kênh tài chính trong nước và quốc tế; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Chuỗi kết nối cung-cầu công nghệ được tổ chức tại ĐHQGHN nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, góp phần kết nối, xúc tiến KHCN, nâng cao năng lực và tăng khả năng cạnh tranh, giúp phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KHCN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.
Với tầm nhìn trở thành đại học đa ngành đa lĩnh vực có tính hội nhập cao theo định hướng nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN luôn thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức góp phần phát triển xây dựng đất nước.
Các hoạt động nghiên cứu và phát triển của ĐQHGHN nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, tạo ra giá trị cho cộng đồng góp phần phát triển kinh tế-xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Chương trình được tổ chức trong 3 ngày (từ 24-26/12), gồm các hoạt động như trình bày ý tưởng kết nối đầu tư, xúc tiến chuyển giao khoa học công nghệ, trưng bày sản phẩm KHCN… Thông qua chương trình này, các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý sẽ gặp gỡ, kết nối, hình thành phát triển thị trường KHCN, mở rộng hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, đưa KHCN vào thực tiễn phục vụ cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Hoàng Giang