Giữ rừng bằng công nghệ ảnh viễn thám
- Details
- Đăng ngày 28/12/2020 Lượt xem: 8052
Hệ thống ghi nhận thông tin thay đổi của rừng trên địa bàn báo về trung tâm để kịp thời bố trí lực lượng tới kiểm tra, thông báo trực tiếp đến chủ rừng và người đứng đầu địa phương
Để hạn chế việc cảnh báo mất rừng sai do ghi nhận hình ảnh rừng không chính xác, tỉnh Bình Thuận đã ứng dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh trong giám sát rừng để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát rừng. Theo các chuyên gia, độ chính xác của ứng dụng này đáng tin cậy trong việc phân biệt rừng thay lá theo mùa với tình trạng mất rừng do bị chặt phá.
Rừng rộng người thưa
Bình Thuận có diện tích rừng và đất rừng tương đối lớn, khoảng hơn 365.000 ha và phần lớn là rừng tự nhiên giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng… có địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp của các địa phương cấp xã thiếu, không ổn định, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng các phần mềm quản lý chuyên ngành, công nghệ GIS… Vì vậy, công tác tuần tra, giám sát và cập nhật diễn biến rừng theo các phương pháp điều tra thủ công chưa thực sự hiệu quả. Bình quân mỗi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng phải tuần tra, giám sát, bảo vệ và cập nhật diễn biến tài nguyên rừng 700 ha và mỗi cán bộ công chức kiểm lâm khoảng 1.439 ha nên khó tiếp cận, bao quát địa bàn. Theo ông Huỳnh Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, phần lớn các địa phương có rừng trên cả nước hiện dùng phần mềm cập nhật diễn biến rừng của Tổng cục Lâm nghiệp, nên chưa thể cho kết quả phân tích đặc tính chuyên sâu đối với từng loại rừng. Cụ thể, có những địa phương như Bình Thuận, rừng rụng lá theo mùa, tới mùa khô lá rụng nên ảnh chụp qua vệ tinh từ phần mềm này cho kết quả tưởng như bị mất rừng.
Trên địa bàn huyện Bắc Bình, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong là đơn vị phải quản lý diện tích rừng lên đến hơn 15.200 ha, với 23 tiểu khu đóng tại 5 xã, thị trấn của huyện. Những năm qua, công tác quản lý, giám sát rừng chủ yếu dựa vào những chuyến tuần tra của lực lượng kiểm lâm, mất rất nhiều thời gian và công sức. Trước thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh xây dựng phần mềm WebGis có thể phân tích chi tiết các chỉ số thực vật theo mùa, theo từng thời điểm để ghi nhận thông tin khi rừng rụng lá, khắc phục được nhược điểm cảnh báo mất rừng sai. Khoảng 1 năm trước, WebGis đã được ứng dụng để quản lý, giám sát rừng cho một số tiểu khu trên địa bàn huyện Bắc Bình. Sau 6 tháng thử nghiệm hệ thống, kết quả cho thấy bước đầu việc giám sát rừng đã mang lại hiệu quả.
Công nghệ ảnh viễn thám sẽ giúp phát hiện những vụ phá rừng tại Bình Thuận
Cảnh báo trực tuyến
Theo ông Lê Châu Thành, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh từ hệ thống sẽ ghi nhận thông tin về sự thay đổi của rừng trên địa bàn báo về trung tâm để kịp thời bố trí lực lượng kiểm lâm tới kiểm tra, đồng thời gửi thông báo trực tiếp đến đơn vị chủ rừng và người đứng đầu địa phương, thay vì chỉ gửi thông báo đến Chi cục Kiểm lâm như các ứng dụng trước đây.
Phần mềm này xác định toàn bộ diện tích rừng để tùy biến thuật toán cho từng khu vực, nhất là nơi có rừng khộp thường thay lá. Ông Hoàng Việt Anh, Trưởng Phòng Tư vấn Công ty Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh, cho biết: "Thuật toán phần mềm có thể phân biệt mùa khô, mùa mưa và những lưỡng cấu hình phù hợp với rừng khộp. Bên cạnh đó, phần mềm này tự động lấy ảnh vệ tinh về từng thời điểm các kỳ mới nhất hay lùi các mốc thời gian bất kỳ để thấy toàn bộ diễn biến của rừng, từ đó kiểm soát tốt sự thay đổi". Ngoài ra, thông tin từ hệ thống WebGis của rừng Bình Thuận dựa trên các nguồn dữ liệu và các cơ chế giám sát rừng của ngành lâm nghiệp bao gồm: cơ sở dữ liệu hiện trạng rừng cập nhật hằng năm của Tổng cục Lâm nghiệp, dữ liệu các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh Sentinel 2 được tùy chỉnh để phù hợp với điều kiện khí hậu đặc biệt của tỉnh Bình Thuận... Trên cơ sở các nguồn thông tin nói trên, hệ thống WebGis cung cấp thông tin trực tuyến giúp các cấp quản lý tiếp cận tình hình diễn biến rừng trên thực địa.
Một điểm đáng chú ý khác là hệ thống WebGis tự động thu nhận ảnh vệ tinh Sentinel 2, thực hiện phân tích và đưa ra các cảnh báo mất rừng 10 ngày/lần. Việc mất rừng có thể do các nguyên nhân hợp pháp như: khai thác rừng sản xuất, cây chết do khô hạn, chuyển đổi sử dụng đất có phép hay tai biến thiên nhiên. Kết quả cảnh báo mất rừng của hệ thống WebGis sẽ cung cấp thông tin chức năng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), hiện trạng rừng, chủ rừng… để cấp quản lý đưa ra quyết định phù hợp. Cụ thể, vào các ngày 1, 16 hằng tháng, hệ thống này sẽ giải đoán ảnh vệ tinh. Khi phát hiện các điểm nghi ngờ có biến động về hiện trạng rừng, hệ thống sẽ tự động gửi tin cảnh báo qua email và điện thoại của các cá nhân và cơ quan quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, bắt đầu từ năm 2021, toàn bộ khu vực rừng trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh trong giám sát rừng từ hệ thống WebGis để cập nhật diễn biến rừng.
Cảnh báo sớm cháy rừng Ngoài chức năng kiểm tra mất rừng, hệ thống WebGis còn cảnh báo cháy rừng từ cơ sở dữ liệu phát hiện sớm điểm cháy trên hệ thống FireWatch của Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận. Hệ thống giúp phát hiện và cảnh báo sớm các điểm có nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bằng cách lọc điểm cảnh báo cháy thông qua ảnh vệ tinh. Người sử dụng hệ thống có thể lọc các điểm cảnh báo cháy theo thời gian và thông báo nhanh đến các đơn vị quản lý vị trí điểm cảnh báo ngoài hiện trường. Chức năng này giúp các đơn vị chủ rừng nhanh chóng tìm được chính xác vị trí cháy để lên giải pháp dập lửa kịp thời. |
Theo Hợp Phố
https://nld.com.vn/cong-nghe/giu-rung-bang-cong-nghe-anh-vien-tham-20201226212454458.htm