Dự báo nguy cơ sạt lở đất
- Details
- Đăng ngày 29/10/2020 Lượt xem: 3451
Cơ quan nghiên cứu sẽ thông báo tới chính quyền, cơ quan phòng chống thiên tai để từ đó kích hoạt hệ thống còi báo động, nhắn tin cho người dân
Mùa mưa lũ miền Trung tháng 10 năm nay gây chấn động với những vụ sạt lở đồi núi ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…, trong đó có những vụ chôn vùi hàng chục người. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu trong thời kỳ của công nghệ cao này, người ta có thể dự báo để giúp phòng tránh những thảm họa sạt lở đất? Đây quả là một nỗi đau đầu lâu năm của giới khoa học, các nhà nghiên cứu.
Chỉ cảnh báo trước từ 3-6 giờ
Giới chuyên môn cho biết tình trạng sạt lở đất đá, núi đồi xảy ra ở những vùng có những điều kiện đặc trưng và có dấu hiệu báo trước. Vì thế, cần đề phòng tai họa qua việc theo dõi thường xuyên, ghi nhận sớm các dấu hiệu bất thường.
Đơn cử là vụ sạt lở đất xảy ra ngày 19-10-2020 ở khu vực biên giới thuộc huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) vùi lấp cả đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, may mắn không có ai thương vong vì đã sơ tán trước. Sáng cùng ngày, các chiến sĩ đóng ở đây phát hiện dấu hiệu sụt lún tại doanh trại đơn vị, tường dãy nhà ở và nhà làm việc có nhiều vết nứt dài. Do được cảnh báo về các vụ sạt lở đồi núi rạng sáng 13-10 ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và ngày 18-10 tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) khiến 35 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh, đồn biên phòng này đã lập tức sơ tán người và tài liệu, khí tài tới nơi an toàn. Khoảng 19 giờ cùng ngày, quả đồi bên cạnh đồn đã bị sạt lở khủng khiếp.
Trả lời báo chí mới đây, tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), nói rằng với điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay, chỉ có thể cảnh báo trước từ 3-6 giờ, mà cũng là trên cả một vùng và trong một thời gian rộng chứ không thể xác định cụ thể nơi nào và thời điểm nào.
Quốc lộ 9, đoạn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sạt lở nghiêm trọng trong đợt lũ tháng 10-2020Ảnh: Lê Phong
Thử nghiệm thành công hệ thống dự báo
Trong nhiều năm qua, các nhà chuyên môn trên thế giới đã nỗ lực nghiên cứu phát triển những giải pháp dự báo sạt lở đất đá.
Vào năm 2017, Tập đoàn NEC (Nhật Bản) loan báo họ đã thử nghiệm thành công hệ thống dự báo sạt lở đất ở Thái Lan trong một dự án hợp tác với Trung tâm Cảnh báo Tai nạn quốc gia (NDWC) Thái Lan. Nước Đông Nam Á này với đặc điểm nhiều rừng núi, mưa nhiều và thường xuyên xảy ra những vụ sạt lở do mưa lớn gây tổn thất về người và tài sản. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm xác minh với hệ thống mô phỏng lũ lụt ở Uttaradit, một tỉnh ở miền Bắc Thái Lan, trong thời gian từ tháng 11-2015 đến tháng 3-2016. Sau đó, họ thử nghiệm một hệ thống có thể phát hiện những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại tỉnh Chiang Mai từ tháng 11-2016 tới tháng 3-2017. Kết quả rất khả quan, khẳng định tính hiệu quả của hệ thống này. Hệ thống có thể thực hiện các mô phỏng chi tiết và cung cấp dự báo cơ sở theo từng giờ trong khoảng 1 tuần trước khi tai họa xảy ra. Nhờ vậy, Trung tâm Cảnh báo Tai nạn quốc gia Thái Lan có thể đưa ra cảnh báo sớm tới các khu vực bị đe dọa lở đất. Tập đoàn NEC đã phát triển một hệ thống quản lý nguy cơ tích hợp bao gồm một nền tảng được chia sẻ có các chức năng như: tích hợp dữ liệu, dự đoán và cảnh báo sớm, cùng các môđun thiên tai chuyên biệt cho các thảm họa cụ thể như: sạt lở đất, lũ lụt và động đất. Tùy theo nhu cầu mà người ta có thể sử dụng một hay kết hợp nhiều modul để dự báo nhiều loại thiên tai cùng một lúc. Riêng hệ thống dự báo sạt lở đất ở đây thực hiện một mô phỏng dựa trên dữ liệu khí tượng học (lượng mưa quan sát được và lượng mưa dự báo), dữ liệu địa hình (giá trị độ cao, mục đích sử dụng đất) và dữ liệu đất (độ sâu của đất, độ dẫn nước, độ xốp, lực kết dính, góc nội ma sát…), cho phép dự đoán mức độ nguy hiểm của lở đất.
Tại Việt Nam, một công trình cảnh báo sớm sạt lở đất dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực cũng đã được lắp đặt tại xã Bản Khoang (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) hồi tháng 9-2019 trong một dự án hợp tác giữa Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Cục Bảo tồn đất và Nước của Đài Loan (Trung Quốc). Do tính phức tạp của hiện tượng sạt lở đất, công trình cảnh báo sớm này bao gồm nhiều thiết bị theo dõi từng yếu tố hợp thành dẫn tới sạt lở đất. Các dữ liệu từ các trạm thượng lưu, trung lưu, hạ lưu được truyền về trạm trung tâm số liệu để xử lý, phân tích dữ liệu nhằm đưa ra nhận định ngưỡng cảnh báo thiên tai (an toàn, có dấu hiệu, có nguy cơ xảy ra, chắc chắn xảy ra). Kết quả phân tích sẽ được gửi về cơ quan nghiên cứu (tức viện). Nếu có nguy cơ sạt lở đất, cơ quan nghiên cứu sẽ thông báo tới chính quyền địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai các cấp để từ đó gửi tin nhắn tới người dân trong khu vực nguy hiểm, kích hoạt hệ thống còi báo động.
Dự báo bằng AI Hiện nay, với cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, cũng như những tiến bộ khoa học công nghệ cao, việc dự báo và cảnh báo sớm thiên tai như sạt lở đất, có nhiều triển vọng. Các nguồn dữ liệu có thể thu thập từ vệ tinh, thiết bị bay tự động tại chỗ, các thiết bị quan trắc... rồi đưa về trung tâm xử lý. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thu thập - phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp rất nhiều cho việc dự báo và cảnh báo sớm thiên tai. |
Theo Phạm Hồng Phước
https://nld.com.vn/cong-nghe/du-bao-nguy-co-sat-lo-dat-20201027204831633.htm