Hướng dẫn dạy học ngoại ngữ tăng cường trong bậc học trung cấp chuyên nghiệp

          Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” sau đây gọi tắt là Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 (ĐANNQG 2020). Đề án quy định học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) phải đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Hiện nay, năng lực ngoại ngữ đầu vào của học sinh TCCN rất khác nhau và thường là chưa đạt chuẩn theo quy định của ĐANNQG 2020. Trước thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khuyến khích các trường TCCN, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo trình độ TCCN (sau đây gọi chung là các trường) triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường để hỗ trợ chương trình đào tạo chính khóa nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ của học sinh TCCN khi tốt nghiệp. Bộ GDĐT hướng dẫn các trường triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường như sau:
1. Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra về ngoại ngữ
     - Chuẩn đầu ra ngoại ngữ được nâng cao dần đối với từng khóa tuyển sinh, từng chương trình đào tạo nhưng phải hướng tới sớm đạt mục tiêu của ĐANNQG 2020; lộ trình đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và sự cố gắng của các trường.
     - Nhà trường công bố công khai chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, lộ trình đạt chuẩn cũng như các loại chứng chỉ ngoại ngữ được chấp nhận cho miễn học/thi ngoại ngữ (nếu có) trên trang thông tin điện tử chính thức của trường trước mỗi khóa/kỳ học để học sinh có kế hoạch học tập và đạt chuẩn theo quy định.
Trong khi học sinh trung học phổ thông chưa được học ngoại ngữ theo chương trình mới (chương trình học 10 năm ban hành theo quy định của ĐANNQG 2020), khuyến khích học sinh tham gia học ngoại ngữ tăng cường nhưng không bắt buộc.
2. Triển khai dạy và học ngoại ngữ tăng cường
a) Kiểm tra năng lực ngoại ngữ đầu vào
     Tổ chức thi/kiểm tra khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào của học sinh TCCN để làm căn cứ xếp lớp học ngoại ngữ tăng cường theo năng lực ngoại ngữ thực tế của học sinh.
b) Nội dung học tập, giáo trình, tài liệu giảng dạy, thời lượng và hình thức tổ chức
     - Nội dung học tập, giáo trình, tài liệu và hình thức triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường cần đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, với năng lực của học sinh để tạo môi trường, điều kiện học tập và phát huy tốt nhất khả năng học tập và sử dụng ngoại ngữ vào việc làm của học sinh khi ra trường.
     - Thời lượng tổ chức học ngoại ngữ tăng cường do các trường quyết định trên cơ sở điều kiện thực tế của trường, yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của từng ngành/lĩnh vực đào tạo và đảm bảo quy định hiện hành về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ đào tạo.
     - Hình thức tổ chức giảng dạy ngoại ngữ tăng cường có thể là dạy học trên lớp, dạy học trực tuyến, các hình thức ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng nước ngoài…; coi trọng việc hướng dẫn và tạo môi trường cho học sinh tự học; phối hợp đồng bộ với các chương trình học ngoại ngữ chính khóa. Đối với hình thức dạy học trực tuyến được thực hiện thông qua tài khoản trực tuyến và phải gửi trực tiếp đến cho học sinh. Yêu cầu học sinh tự sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các hoạt động của khóa học trực tuyến. Giáo viên, giảng viên cần sắp xếp các buổi gặp mặt trực tiếp để giải đáp các thắc mắc của học sinh và hướng dẫn thêm nếu cần thiết. Trong trường hợp sử dụng tài khoản trực tuyến, phải bố trí cụ thể thời gian học trực tuyến và thời gian học trực tiếp. Số lượng học sinh trong một lớp học ngoại ngữ tăng cường không quá 30 học sinh.
     - Đối với môn học ngoại ngữ là tiếng Anh, hiện nay Bộ GDĐT đã phê duyệt 3 chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường trình độ TCCN các ngành Du lịch, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin theo Quyết định số 3340/QĐ-BGDĐT ngày 28/8/2013 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; 4 chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trình độ TCCN các ngành Nghiệp vụ Nhà hàng, Khách sạn, Nghiệp vụ lễ tân, Quản lý và bán hàng siêu thị, Kế toán theo Quyết định số 1608/QĐ-BGDĐT ngày 14/5/2015 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (các chương trình này đã đưa lên website của Bộ GDĐT). Các trường có đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trình độ TCCN các ngành nói trên căn cứ theo các chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường và các chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành trình độ TCCN đã được Bộ GDĐT phê duyệt để xây dựng các chương trình giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường.
     - Thông báo kế hoạch tổ chức dạy học ngoại ngữ tăng cường trước từng khóa/kỳ học để hỗ trợ học sinh có nhu cầu.
c) Giáo viên, giảng viên
     Bố trí các giáo viên, giảng viên có năng lực thực tế trên cơ sở đội ngũ giáo viên, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của trường, ưu tiên các giáo viên, giảng viên có năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định của ĐANNQG 2020; khuyến khích sử dụng giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên bản ngữ tham gia cùng các giáo viên, giảng viên trong nước.
d) Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
     Tận dụng cơ sở vật chất và thiết bị chung của nhà trường, chú trọng sử dụng hiệu quả các thiết bị có ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông.
3. Kinh phí
     Các trường chủ động xây dựng mức thu học phí ngoại ngữ tăng cường theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 của Nghị Định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị Định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, theo nguyên tắc thỏa thuận với người học, đảm bảo bù đắp chi phí. Việc thu học phí dạy học ngoại ngữ tăng cường không tính cho nội dung chương trình đào tạo theo quy định bắt buộc.

     Hàng năm các trường báo cáo Bộ GDĐT kết quả thực hiện mục tiêu đầu ra về năng lực ngoại ngữ và dạy học ngoại ngữ tăng cường trong các báo cáo về thực hiện nhiệm vụ năm học. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, đề nghị các trường liên hệ với Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp) để nhận được ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.

Theo www.moet.gov.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​