Ngành giáo dục nhiều địa phương chuẩn bị năm học mới

(Chinhphu.vn) – Trước thềm năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT nhiều địa phương đang nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới, nhằm tạo thuận lợi cho các thầy cô giáo, các em học sinh trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường THPT chuyên Bắc Ninh mới được khánh thành. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh

Chuẩn bị năm học mới, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp gần 650 phòng học thuộc các ngành học, bậc học, nâng tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 98%.

Ngoài đầu tư mua sắm thiết bị đồ dùng học tập, tỉnh triển khai mua sắm đồ chơi cho 40 trường mầm non; mua sắm các thiết bị dạy học ngoại ngữ cùng hàng trăm máy vi tính các trường trung học phổ thông (THPT); 45 bộ thiết bị phòng học cho 3 trường trung học cơ sở (THCS) trọng điểm; 40 bộ thiết bị trường học thông minh cho các trường THCS… với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.

Tỉnh cũng vừa khánh thành Trường THPT chuyên Bắc Ninh với tổng kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Trường THPT chuyên Bắc Ninh được thiết kế đồng bộ với kiến trúc độc đáo, hiện đại, quy mô ngang tầm quốc tế. Công trình xây dựng trên khu đất rộng 3,9 ha, phục vụ 1.200 học sinh, gồm các hạng mục: Nhà điều hành cao 9 tầng, nhà hội trường 500 chỗ ngồi và các công trình phụ trợ như lớp học, thư viện, ký túc xá, nhà tập luyện thể thao…

Năm học 2016-2017, tỉnh Bình Thuận có khoảng 275.000 học sinh ở các cấp học, 165.000 cán bộ, giáo viên với trên 620 trường học.

Về cơ sở vật chất, tỉnh đã đầu tư xây dựng hơn 400 phòng học và trang thiết bị cho bậc mầm non với kinh phí hơn 470 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở bậc tiểu học, THCS, THPT được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, kiên cố hóa.

Trong năm học 2016-2017, Bình Thuận sẽ tiếp tục vận động học sinh bỏ học trở lại trường; phối hợp với các đoàn thể, hội khuyến học rà soát và kịp thời giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học cao… Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” để nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, từ đó có giải pháp hỗ trợ các em trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Tại Bắc Giang, năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT sẽ triển khai dạy học thí điểm môn Toán bằng song ngữ Việt-Anh ở 4 trường THPT và THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn. Qua đó, nhằm xây dựng môi trường học tập tiếng Anh chất lượng cao trong các nhà trường, từng bước thực hiện tốt hơn các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết; giúp giáo viên và học sinh vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động bằng tiếng Anh.

Tại Bạc Liêu, việc huy động học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường vẫn luôn là trăn trở của các thầy cô giáo mỗi khi bước vào năm học mới.

Năm nay, với quyết tâm vận động học sinh ra lớp đạt chỉ tiêu, các trường phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh ra lớp. Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) thực hiện miễn, giảm học phí, cho mượn sách giáo khoa, hỗ trợ đồ dùng học tập; tranh thủ các nguồn tài trợ để tặng học bổng, phương tiện đến trường cho học sinh nghèo... Trường còn lập quỹ “Giúp bạn vượt khó” để hỗ trợ học sinh nghèo.

Chia sẻ với ngành giáo dục, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu khởi động chương trình tiếp sức đến trường để tranh thủ các nguồn tài trợ. Đến thời điểm này, Hội đã vận động được hơn 680 triệu đồng tiền mặt từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… nhằm chia sẻ gánh nặng cho học sinh nghèo.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, sửa chữa, xây dựng mới hàng nghìn phòng, lớp học và mua sắm nhiều đồ dùng dạy học phục vụ tốt cho năm học mới. Trong đó chủ yếu đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các trường, lớp học cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài nguồn vốn ngân sách, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, xây dựng mới hàng trăm trường học tại các địa bàn thuộc các vùng đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 3.284 trường học từ bậc học mầm non đến THPT, trong đó có 976 trường mầm non, 1.240 trường tiểu học, trên 810 trường THCS, còn lại là trường THPT. Đặc biệt, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 57 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng khang trang, trong đó có 19 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, còn lại là phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện.

Ảnh: Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai

Năm học 2016-2017, tỉnh Đồng Nai có 13 trường học được thành lập mới và đi vào hoạt động với 188 phòng học (10 trường công lập, 3 trường tư thục), nâng tổng số đơn vị trường học trong tỉnh lên 817 trường. Quy mô học sinh của 13 trường này dự kiến là hơn 6.400 học sinh.

Mới đây, tại KCN Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Tập đoàn Phong Thái tổ chức khánh thành Trường mẫu giáo Dona Standard với kinh phí 3 triệu USD, trên diện tích 2,4 ha, có khả năng tiếp nhận hơn 1.000 cháu là con của công nhân đang làm việc tại Công ty Dona Standard tại KCN này. Trường mẫu giáo Dona Standard hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, do đó trường không thu học phí và các khoản bảo hiểm của con công nhân (Công ty hỗ trợ những khoản này), phụ huynh chỉ phải đóng góp 430.000 đồng/tháng, số tiền này dùng để chi cho 4 bữa ăn/ngày của các cháu.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2016-2017 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở các cấp học.

Theo đó, trong năm học này, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng xây dựng cơ sở trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu vực miền núi; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học bậc tiểu học phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi; thực hiện đổi mới trong đánh giá học sinh, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Đối với giáo dục trung học, Sở GD&ĐT sẽ giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy theo hướng giảm tải; đa dạng hóa các hình thức học tập, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; thực hiện tốt tư vấn, phân luồng học sinh sau trung học nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Lãnh đạo NXB Giáo dục trao số sách tượng trưng cho lãnh đạo Sở GD&ĐT 4 tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Ảnh: NXB Giáo dục

Trước thềm năm học mới 2016-2017, Nhà xuất bản Giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ SGK để phát hành tới tất cả các địa phương trong cả nước.

Trong tuần lễ "Cùng em đến trường" (từ ngày 15/8 đến ngày 4/9), đơn vị sẽ thực hiện nhiều chương trình giảm giá nhằm tăng cường phát hành trực tiếp tới học sinh để các em học sinh có đầy đủ SGK.

Chia sẻ khó khăn của học sinh là con ngư dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, ngày 20/8, Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức trao tặng 1.600 bộ SGK cho các em tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế với tổng trị giá 300 triệu đồng.

Theo Thanh Xuân (tổng hợp)/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​