Hỗ trợ suất ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ mầm non
- Details
- Đăng ngày 08/03/2016 Lượt xem: 1814
Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho trẻ, đặc biệt là trẻ ở xã biên giới, hộ nghèo, mồ côi cha mẹ, tàn tật,... Các cháu thuộc đối tượng này được hỗ trợ suất ăn trưa và chi phí học tập hằng tháng, theo thời gian học thực tế của trẻ và không quá 9 tháng/năm. Cụ thể, trẻ từ 3-5 tuổi được hỗ trợ 120.000 đồng chi phí ăn trưa và 70.000 đồng chi phí học tập hằng tháng.
Trẻ em thuộc diện hộ nghèo ở các xã biên giới được hỗ trợ suất ăn trưa và chi phí học tập hằng tháng
Giảm bớt gánh nặng cho gia đình khó khăn
Với các hộ thuộc diện khó khăn, việc lo các khoản phí cho con đi học là vấn đề nan giải. Nhiều phụ huynh phải tạm dừng việc học của con vì không đủ sức để lo. Từ năm 2011, Nhà nước có các chế độ, chính sách hỗ trợ trẻ mầm non nên các bậc phụ huynh mạnh dạn đưa trẻ đến trường và an tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống .
Trẻ từ 3-5 tuổi thuộc xã biên giới, hộ nghèo, mồ côi, tàn tật hoặc khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn,... được hỗ trợ 120.000 đồng chi phí ăn trưa và 70.000 đồng chi phí học tập hằng tháng. Chế độ hỗ trợ này được thực hiện trong thời gian trẻ đến trường.
Tại Trường Mầm non Nhơn Hòa (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh), trong học kỳ 1 có 8 trường hợp trẻ được hỗ trợ. Đầu năm học, nhà trường thường xuyên thông tin về những chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp phụ huynh an tâm đưa trẻ đến trường.
Chị Đặng Kim Thoa, 36 tuổi, ngụ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa chia sẻ: "Gia đình thuộc hộ nghèo, 2 con đều ở độ tuổi học mầm non, chồng bị bệnh, tôi không đủ sức lo cho các con đi học. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và trường học, các cháu gần như không tốn khoản tiền nào mà còn được nuôi dạy trong môi trường tốt".
Trường Mầm non Nhơn Hòa còn chủ động vận động mạnh thường quân hỗ trợ các suất học bổng, cặp, sách, dụng cụ học tập,... giúp trẻ có đủ điều kiện học tập. Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhơn Hòa - Lưu Thị Hồng chia sẻ: Thương các em thiếu thốn mọi bề nên nhà trường cố gắng bù đắp phần nào. Trên lớp, giáo viên đặc biệt chú ý dạy trẻ kỹ năng sống, đạo đức, cách ứng xử và theo sát quá trình học tập của các em, vì đa số các em ít được gia đình quan tâm hơn các trẻ khác. Với tất cả các trẻ, nhà trường kịp thời hỗ trợ khi có trường hợp gặp khó khăn.
Tăng tỷ lệ trẻ đến trường
Các chế độ, chính sách hỗ trợ trẻ mầm non không chỉ giúp giảm nỗi lo của phụ huynh mà còn giúp tăng tỷ lệ trẻ đến trường, góp phần thực hiện thành công phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi ở các địa phương. Khi có các khoản hỗ trợ, việc huy động trẻ thuận lợi hơn, trẻ cũng đi học đều, giúp tăng tỷ lệ chuyên cần của các trường.
Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh cho biết: Khi chưa có chính sách hỗ trợ, rất khó vận động trẻ có hoàn cảnh khó khăn ra lớp. Chính sách này góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ phát triển đều về thể chất, năng động, mạnh dạn hơn trong các hoạt động của lớp và giao tiếp.
Nhờ những chế độ, chính sách, trẻ em nghèo được tiếp bước đến trường, các bậc phụ huynh an tâm phát triển kinh tế gia đình. Nhà trường cũng thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển đều, dù thuộc gia đình khá giả hay khó khăn./.
Theo Ngọc Sương/Báo Long An Online