Kiểm định độc lập để giáo dục hội nhập quốc tế và đón nhận những cơ hội mới
- Details
- Đăng ngày 11/01/2016 Lượt xem: 1700
(GDVN) - Công tác kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Ngày 8/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Trung kiểm Kiểm định chất lượng giáo dục. Xung quanh chủ đề này, một số ý kiến đã nêu lên tầm quan trọng của công tác kiểm định.
Tự đánh giá sẽ không khách quan
TS. Lê Văn Hảo - Trưởng Phòng đảm bảo chất lượng và Thanh tra, Trường Đại học Nha Trang cho biết, việc tự đánh giá là một hoạt động hiện các trường đại học đã được làm quen nhiều, tuy đã làm quen nhưng cách đánh giá của chúng ta vẫn chưa theo thông lệ.
Việc đánh giá dựa trên hệ thống, trên dữ liệu thì lâu nay chúng ta ít tập trung, thường là các trường tự đánh giá, và nêu lên một cách chủ quan, chung chung, không căn cứ trên số liệu cụ thể.
Về các thành tố tự đánh giá, TS. Lê Văn Hảo cho rằng, đó là những khâu thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu một cách hệ thống, tự phản ánh đầy đủ với sự tham gia của các bên liên quan (người học, giảng viên, người sử dụng lao động, doanh nghiệp…), cuối cùng những điều tự đánh giá đó phải làm sao để các trường có được những quyết định phù hợp cho sự phát triển.
Theo TS. Lê Văn Hảo, mục tiêu mà các trường tự đánh giá là phải đạt được chất lượng đầu ra như những gì đã được vạch ra trước đó, nếu không đạt được thì kết quả tự đánh giá không có ý nghĩa gì. Thông qua tự đánh giá cũng phải xác định giá trị mang lại cho các bên liên quan là cái gì?
TS. Lê Văn Hảo - Trưởng Phòng đảm bảo chất lượng và Thanh tra, Trường Đại học Nha Trang.
Ảnh Xuân Trung
Nhận định về công tác kiểm định chất lượng trong thời gian qua, sau một quá trình cùng tham gia với một số trung tâm kiểm định, TS. Lê Văn Hảo cho rằng, một số trường chưa quen, chưa tiếp cận được những tiêu chí đánh giá, đó là thực tế. Hoạt động đánh giá vẫn chưa được đưa vào hoạt động định kỳ của năm học.
“Khi chúng tôi đến kiểm định các trường thì khâu “tự đánh giá” được các trường viết rất bài bản, nhưng sau đó cũng chẳng để làm gì, và nhìn vào chi tiết từng năm học và kế hoạch trung hạn của trường đại học thì ít khi thấy bóng dáng của kế hoạch tự đánh giá.
Hơn nữa, có thực tế là các thành viên hội đồng tự đánh giá không được tập huấn thường xuyên, người được tập huấn thì di chuyển nhiều và mỗi lần lại có một người mới, điều này rất khó tập trung” TS. Lê Văn Hảo cho biết.
Khi đọc các bản báo cáo tự đánh giá của các trường đại học, bản thân TS. Lê Văn Hảo thấy rằng, một số vấn đề nổi lên như nhiều trường báo cáo còn mang tính thành tích, không có căn cứ số liệu, mô tả hiện trạng không bám sát tiêu chí, nêu điểm mạnh nhưng lại không phù hợp với tiêu chí, không đáng để cho là điểm mạnh.
Như vậy sẽ không nhận ra được lộ trình phát triển của nhà trường, điều này hết sức nguy hiểm.
Một số trường tự đánh giá với các lí do nêu lên những tồn tại của trường, nhưng ở dạng sơ sài, đổ tại lí do khách quan, đặc thù riêng, đưa ra kế hoạch khắc phục chung chung.
Từ đó, TS. Lê Văn Hảo đề xuất phải đưa hoạt động tự đánh giá thành hoạt động định kỳ của nhà trường và có trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn.
Các trường cũng phải cần đánh giá đúng mình, từ đó đề ra kế hoạch khả thi để nâng cao chất lượng. Theo đề xuất của TS. Hảo, để trung tâm Kiểm định được lớn mạnh thì cần có sự tham gia của các thành viên tại các trường đại học.
Đối với việc đánh giá đồng cấp, TS. Lê Văn Hảo cho rằng đây là một khái niệm đưa vào giáo dục đại học chưa nhiều. Theo đó, khái quát nhất đánh giá đồng cấp là đánh giá hoạt động khoa học, học thuật bởi những người khác hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Đánh giá đồng cấp quan trọng nhất là đưa ra được giải pháp để giúp cho các trường phát triển căn bản. Đối với Việt Nam, công tác đánh giá đồng cấp ít được chú trọng ở hai khía cạnh.
Thứ nhất là hoạt động giảng dạy của giảng viên: lâu nay vẫn nói về giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng chúng ta chỉ làm được một mảng rất nhỏ, đánh giá đồng cấp để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong đó dự giờ là một hoạt động…
Thứ hai, chúng ta chỉ quan tâm đánh giá đồng cấp trong học tập cho người học, khía cạnh chưa được phát triển mạnh.
Theo Đại tá, TS. Nguyễn Minh Khôi (đại diện cho các trường, học viện thuộc Bộ Quốc phòng) cho biết, sau khi tham gia đánh giá đồng cấp tại 6 trường Đại học thuộc Bộ Quốc phòng trên tổng số hơn 50 trường quân đội có rút ra được nhiều bài học.
Đại tá, TS. Nguyễn Minh Khôi (đại diện cho các trường, học viện thuộc Bộ Quốc phòng).
Ảnh Xuân Trung
Theo TS. Nguyễn Minh Khôi, với những đặc thù trong quân đội nên công tác đánh giá chưa được mở rộng ra bên ngoài. Các trường quân đội cũng muốn các chuyên gia kiểm định bên ngoài tiếp cận với các trường để đánh giá, để các chuyên gia giúp các trường, nhưng đặc thù chưa cho phép, đó là điều thiệt thòi cho các trường quân đội.
Cái khó nhất của các trường trong quân đội khi tham gia đánh giá kiểm định là vướng phải khâu đặc thù, như các tiêu chí 6.8 (học viên tốt nghiệp ra trường), đối với trường công an hay quân đội thì phải chịu sự phân công, công tác của ngành, đây là cái khác. Tiêu chí này cũng được đánh giá khác.
“Có những tiêu chí chúng tôi đề nghị không đánh giá, có những tiêu chí đánh giá không đạt, chúng tôi cũng nghĩ tới phương án quân đội phải có tiêu chuẩn, tiêu chí riêng, nhưng điều này chúng tôi từng bước rút kinh nghiệm và kết hợp với Nghị quyết 29, thực hiện Nghị định 73 (phân tầng, xếp hạng) sẽ mở ra giai đoạn mới” TS. Nguyễn Minh Khôi cho biết.
Nên kiểm định loại nào trước?
Trao đổi thêm, bà Nguyễn Phương Nga, giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, đúng là Việt Nam đã đào tạo được hơn 100 kiểm định viên cho công tác kiểm định. Tuy nhiên, trong bối cảnh và đặc thù của công việc thì rất khó để đánh giá ngoài.
Vì sao? Theo bà Nga, kiểm định viên đang học và tập sự lại được phân đi đánh giá các trường đại học là rất khó, trường hợp này chỉ có thể là quan sát viên, nhưng cũng cần có thời kỳ, thời điểm.
Vấn đề kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, vậy giữa hai vấn đề này thì nên kiểm định loại nào trước mắt? Khẳng định hai loại kiểm định này là có sự giao thoa nhau nhưng cũng có khác biệt.
Bà Nguyễn Phương Nga, giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).
Ảnh Xuân Trung
Khi kiểm định cơ sở giáo dục thì đánh giá toàn bộ hoạt động của cơ sở đó. Tuy nhiên, theo bà Nga đánh giá này không thể sâu như đánh giá chương trình đào tạo (đánh giá một mảng rất nhỏ của trường đại học).
Vấn đề khác nhau của hai loại đánh giá này thể hiện ở việc đối với cơ sở giáo dục thì bất kỳ cơ sở nào cũng đăng ký kiểm định được, nhưng đối với kiểm định chương trình đào tạo thì nước ta còn hạn chế.
Ưu thế của kiểm định cơ sở giáo dục, đoàn kiểm định và nhà trường nhìn được một cách toàn diện mọi hoạt động trong trường, từ đó góp vào sự thành công của trường.
Nhưng kiểm định chương trình không làm được điều này, mà chỉ nhận định được một số chương trình, hoạt động cụ thể, còn có đóng góp vào sự thành công của trường thì không trả lời được vì giới hạn của loại kiểm định này.
“Khi một cơ sở giáo dục đã được cấp chứng chỉ kiểm định thì cũng khẳng định trường này đạt chất lượng theo yêu cầu, nhưng chúng ta không chắc chắn rằng sinh viên đang học trường đó, nếu muốn chuyển đổi trường khác thì có được công nhận chứng chỉ không.
Ngược lại, chương trình đã được kiểm định thì sinh viên được học chương trình đã được kiểm định chắc chắn được chuyển đổi sang trường khác có chương trình tương đương” bà Nga thông tin.
Vậy, với những ưu-nhược điểm của hai loại kiểm định thì nên kiểm định theo loại nào là hợp lí đối với các trường đại học? Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, để hội nhập được quốc tế thì trường cần thiết phải kiểm định cả hai.
Nếu chỉ tham gia kiểm định 1 loại và khi ra quốc tế thì rất khó khăn. Nếu kiểm định cơ sở và ra quốc tế thì sẽ khẳng định lại trường đại học này có chất lượng, trường có thương hiệu. Và khi tiếp tục được kiểm định chương trình thì sẽ thuận tiện trong việc liên kết quốc tế.
Vậy kiểm định loại nào trước? Quan điểm của bà Nga cho rằng nên kiểm định cơ sở trước để nhà trường, lãnh đạo, cán bộ trong trường thấy được trường hạn chế gì, mạnh gì và sau đó chương trình nào mạnh thì tiến hành kiểm định trước.
Với những trường lớn có hàng trăm chương trình đào tạo, vậy làm thế nào để kiểm định được từng chương trình?
Câu hỏi này được nhiều trường quan tâm, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, với kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau khi trường triển khai kiểm định cơ sở xong thì tiến hành kiểm định chương trình, không chỉ một mà tiến hành kiểm định theo cụm chương trình.
Tuy nhiên, cụm chương trình này phải đảm bảo các điều kiện: Có đội ngũ kiểm định viên am hiểu, thống nhất về quy trình kiểm định. Vậy, kiểm định theo cụm chương trình có đạt được chất lượng hay không? Bà Nga khẳng định:
“Số lượng chương trình được kiểm định phải phù hợp với nhau, chọn chương trình cùng nhóm ngành và cùng môn cốt lõi. Phải đảm bảo trong đoàn đánh giá ngoài phải có những chuyên gia am hiểu về chuyên môn, có thời gian khảo sát tại cơ sở giáo dục đó. Có báo cáo đánh giá tùy theo chương trình, có thể là nhiều báo cáo” bà Nga cho biết.
Được biết, để thực hiện công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục trong thời gian tới, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) chuẩn bị đưa ra bộ tiêu chí đánh giá để các Trung tâm Kiểm định dựa vào đó làm cơ sở.
Theo Xuân Trung/Giaoduc.net.vn