Ở nơi ấy, học sinh chân trần trèo dốc đến trường


         (GDVN) - Trong cái rét đến thấu xương, hàng chục em học sinh với đôi chân trần hàng ngày trèo dốc đồi đến trường.
         Trong bài viết Giữa núi rừng, có lớp mầm non 6 học sinh và một cô giáo, chúng tôi từng nói đến hình ảnh một cô giáo hàng ngày mang ba lô leo dốc đồi lên bản ông Tú (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) để dạy chữ cho 6 em học sinh mầm non.

         Còn ở bài viết này, chúng tôi đề cập đến các em học sinh. Vì bản làng này chỉ có duy nhất một lớp học dành cho các em mầm non ở nhà cộng đồng thôn, nên những học sinh tiểu học, cấp 2 và cấp 3 hàng ngày cũng phải leo qua dốc này để đến trường.

         Hàng ngày, các em học sinh trèo dốc đến lớp với đôi chân trần (Ảnh: Thủy Phan)

         Bản ông Tú được bao bọc bởi một cánh rừng già. Vì cuộc sống khó khăn, những bậc cha mẹ nơi đây hàng ngày phải đi làm rừng, làm rẫy kiếm sống, học sinh vì thế mà phải tự túc đến trường.

         Các em thường dậy rất sớm, dù trời lạnh vẫn đầu trần chân đất vượt qua con dốc đồi cheo leo, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt.

Dù thiếu thốn, các em vẫn thích đi học (Ảnh: Thủy Phan)

         Ngày học 2 buổi, trưa học xong thì về nhà ăn cơm rồi chiều lại đi học tiếp, tổng cộng mỗi ngày, em Hồ Hiên (học sinh lớp 4, ở bản ông Tú) phải đi 2 vòng qua con dốc này để đến trường với đôi chân trần lấm lem.

 

Phải người nào quen đường và vững tay lái mới đi xe máy lên được con dốc này (Ảnh: Thủy Phan)

         Hiên tâm sự: “Từ nhà em xuống trường em đi mất khoảng 30 phút. Sáng nào em cũng dậy sớm chuẩn bị sách vở, rồi cùng các bạn xuống trường học, trưa về nhà ăn cơm rồi đầu giờ chiều lại đến trường.

         Mấy hôm nay trời mưa, đường trơn nên chúng em phải bám vào bên mép đường để đi cho khỏi bị trượt”.

         “Vì bố mẹ phải đi làm nên sáng nào em cũng dậy sớm tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, sau đó, cùng các bạn xuống trường học. Buổi sáng nhà không có gì ăn nên em nhịn đói đến lớp.

         Dù phải đi bộ xa với đường khó đi như vậy nhưng em không thấy mệt và vẫn rất thích được đi học”, em Hồ Thị Yến cho biết.

         Không chỉ Hiên, Yến mà hầu hết các học sinh ở đây sáng nào cũng phải nhịn đói, đi chân trần xuống núi học chữ.

         Khi được hỏi đi chân trần như vậy có lạnh không thì các em đều trả lời “không” lạnh.

         Theo các thầy cô giáo ở trường tiểu học Hưng (xã Trọng Hóa), hầu hết các em học sinh ở đây đều phải tự đi bộ đến trường học. Riêng ở bản ông Tú, có 14 học sinh hàng ngày phải đi qua con dốc cheo leo, ngoằn nghèo nhưng các em vẫn luôn đến lớp đúng giờ.

         Hình ảnh các em học sinh trong giờ ra chơi (Ảnh: Thủy Phan)

         Ông Hồ Chui, trưởng bản ông Tú cho biết, cả bản có 23 hộ dân với 114 nhân khẩu. Trừ các em học mầm non thì các học sinh ở đây đều phải đi qua con dốc này đến trường.

         “Chỉ những người nào quen đường và vững tay lái lắm mới dám đi xe máy qua con dốc này. Bây giờ có cây cầu Khuyến học – Dân trí nên còn đỡ, chứ trước đây muốn qua bên trường học các em phải lội qua sông.

         Đường sá khó khăn, ở đây lại không có chợ búa gì, thỉnh thoảng mới có một vài người dưới xuôi mang đồ lên đây bán. Cuộc sống người dân ở đây còn nhiều thiếu thốn lắm”, ông Hồ Chui nói.

         Một em học sinh ở bản ông Tú rửa bát giúp mẹ lúc đi học về (Ảnh: Thủy Phan)

         Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, địa hình nhiều nơi lại hiểm trở nên nhiều em học sinh phải đến trường rất vất vả. Tuy vậy, các em vẫn muốn được đến trường để học chữ”.

Theo Thủy Phan/Giaoduc.net.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​