Cần kiểm soát chặt đầu vào y dược


          Sự dễ dãi trong đào tạo y dược ở một số trường, điển hình là Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, khiến xã hội lo lắng về chất lượng đào tạo của ngành này
          Sau khi Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cấp phép đào tạo ngành y dược, dư luận thêm một lần nữa dậy sóng khi 22 sinh viên lớp 10D (liên thông đào tạo từ trung cấp lên ĐH ngành dược) hệ liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái           Nguyên và ĐH Y Hải Phòng bị đình chỉ thi tốt nghiệp ngay trước ngày thi, cũng như hàng trăm sinh viên khác bị phát hiện gian lận hồ sơ khi tuyển sinh.

          Không thể tuyển sinh dễ dãi

          Trao đổi về vấn đề này, một tiến sĩ, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội đồng thời là bác sĩ của một bệnh viện lớn nhấn mạnh đào tạo sinh viên ngành y là đào tạo ra các bác sĩ chữa bệnh - một nghề “đặc biệt” - nên việc đào tạo họ cũng phải rất “đặc biệt”. Sự đặc biệt ở đây là mô hình đào tạo không giống bất cứ mô hình đào tạo nghề nghiệp nào khác bởi đối tượng của bác sĩ phụ trách là mọi mặt của sức khỏe con người.

          Sinh viên ngành dược của một trường ĐH trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH

          Mô hình đào tạo này đòi hỏi nhiều điều khó thực hiện hơn cơ sở vật chất đặc thù, ví dụ nơi lưu giữ xác người để sinh viên thực tập môn giải phẫu người, phòng thí nghiệm trên động vật, phòng xét nghiệm vi sinh, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh, mô hình tiền lâm sàng, rồi nhiều bệnh viện thực hành các chuyên khoa khác nhau...

          Và điều quan trọng nhất là yếu tố con người, đó là đội ngũ các nhà khoa học, các nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, có uy tín trong nước và quốc tế, còn nhiệt huyết, còn sức khỏe làm việc và đặc biệt nhất là đối tượng trực tiếp về con người, đó là đội ngũ sinh viên được tuyển chọn phải là những người phải vượt qua được những kỳ thi khó khăn, có đủ trí tuệ và tình yêu thương đồng loại, họ có đủ sức khỏe để vượt qua được nhiều áp lực của công việc và cuộc sống. “Một nơi nào đó chưa hội tụ đủ những yếu tố như trên một cách công bằng và minh bạch thì chưa thể cho ra lò những sản phẩm để sau này có thể quản lý sức khỏe con người được” - giảng viên này chia sẻ.

          Lo ngại cho chất lượng bác sĩ

          Trong giải trình của ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, việc liên kết đào tạo y dược hệ liên thông từ trung cấp lên ĐH với Trường ĐH Y Dược Hải Phòng được thực hiện từ năm 2010. Mọi hoạt động có liên quan đến tuyển sinh là do hội đồng tuyển sinh của nhà trường quyết định. Năm 2014, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Hải Phòng đã phát hiện 22 sinh viên lớp dược 10D khai không chính xác trong hồ sơ tuyển sinh. Nhà trường đã cho đình chỉ thi tốt nghiệp của những sinh viên này và thực hiện nghiêm túc thông báo số 28/TB-BGDĐT ngày 14-1-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đình chỉ thi và đình chỉ học một năm với các sinh viên khai man hồ sơ. Ông Sơn cho rằng việc khai man hồ sơ tuyển sinh của thí sinh là lỗi của thí sinh và lỗi của người xác nhận vào hồ sơ đó. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong nhà trường.

          Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết thực hiện kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, ĐH Thái Nguyên đã tổ chức rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy chế nội bộ, chấn chỉnh công tác quản lý của các đơn vị, khắc phục các thiếu sót, sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

          Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý học viên khai man hồ sơ để học ĐH y dược còn quá nhẹ. Một giảng viên của Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng việc Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên buông lỏng trong đào tạo và chỉ kỷ luật đình chỉ học một năm đối với những sinh viên gian lận hồ sơ là không hợp lý. “Cá nhân tôi thấy lo lắng về việc này vì ngay cả Trường ĐH Y Hà Nội, nơi có đội ngũ giảng viên hùng hậu, cơ sở vật chất chất lượng, bệnh viện thực hành nhiều... nhưng việc tuyển đầu vào cũng không thể mở rộng, ồ ạt vì chất lượng đầu ra còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo. Tôi cho rằng Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên đã quá “thoải mái” trong đào tạo và điều này thật đáng lo ngại cho chất lượng đào tạo bác sĩ và dược sĩ” - giảng viên này nhấn mạnh.

          

Nhiều sai phạm

Không chỉ phát hiện hàng loạt sai phạm ở Trường Y Dược - ĐH Thái Nguyên, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của các đơn vị trực thuộc ĐH Thái Nguyên, trong đó số tiền thu chưa đúng quy định của một số đơn vị thành viên (không tính Trường ĐH Y Dược) là 40 tỉ đồng. Chưa hết, nhiều trường ĐH thành viên của ĐH Thái Nguyên cũng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Cụ thể: Năm 2010, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh bổ nhiệm trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh đang làm nghiên cứu sinh, trong khi theo yêu cầu phải là tiến sĩ; Trường ĐH Sư phạm cũng bổ nhiệm trưởng Khoa Vật lý không đủ tiêu chuẩn theo quy định; hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm bổ nhiệm một hợp đồng lao động làm phó giám đốc thư viện không đúng quy định...

 

Theo YẾN ANH/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​