“Đọc sách để không lạc hậu”
- Details
- Đăng ngày 10/12/2015 Lượt xem: 1988
(GDVN) - “Chúng ta chưa xây dựng thói quen đọc có hệ thống, hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học”.
Đây là một thực trạng mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận trong xã hội hiện nay, khi ông phát biểu tại Hội thảo phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, được tổ chức tại Bắc Giang ngày 9/12.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, văn hoá đọc theo nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước; theo nghĩa hẹp, đó là: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Hiện nay, theo ý kiến của ông Hiển, chúng ta chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hoá đọc và các kế hoạch phát triển văn hoá đọc trên bình diện quốc gia, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng của văn hoá đọc, mặc dù mục tiêu đã được Đảng, Chính phủ vạch ra rất rõ ràng là xây dựng một xã hội học tập, một xã hội ham đọc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đọc sách để tiếp thu tri thức, rèn luyện kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích
để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, đọc sách để không lạc hậu. Ảnh Khang Nguyễn/Bộ GD&ĐT
Thế kỉ XXI là thế kỉ bùng nổ thông tin và các thành tựu của khoa học công nghệ, thế kỉ phát triển văn hoá nghe nhìn nhưng lại đặt văn hoá đọc trước nhiều nguy cơ và thách thức.
Nêu cao tinh thần học tập suốt đời, với ý thức: sách cần thiết cho sự học, sách là kho tàng tri thức bất tận của nhân loại; người đọc sách là người đi đến tận cùng kho tàng quý giá ấy; đọc sách để tiếp thu tri thức, rèn luyện kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, đọc sách để không lạc hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, những hạn chế của học sinh của chúng ta hiện nay là thiếu các kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, trong đó có nguyên nhân là học sinh ít có thói quen thường xuyên đọc sách.
Học sinh ít có thói quen thường xuyên đọc sách do nhiều nguyên nhân như: Sức ép do thời gian học tập chính khóa, ngoại khóa nhiều; cơ sở vật chất thư viện chật hẹp, sách, tài liệu nghèo nàn; cán bộ thư viện kiêm nhiệm bận nhiều việc ít có thời gian dành cho giao tiếp với học sinh.
Cách thức quản lý, chỉ đạo hoạt động của thư viên lạc hậu; phong trào đọc sách trong cộng đồng nói chung và trong nhà trường nói riêng chưa được hình thành, không được sự khuyến khích của giáo viên và cha mẹ học sinh; nhu cầu hỗ trợ của việc đọc cho học tập chính khóa; yêu cầu về kiểm tra đánh giá chưa khuyến khích học sinh phải đọc thêm nhiều tài liệu để có kết quả tốt…
Ông Nguyễn Quang Thạch - Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng, cho biết trong 40 năm qua, kể từ 1975, học sinh nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa (năm 1995 trở về trước, nhiều học sinh nông thôn phải chép sách giáo khoa để học).
Ông Nguyễn Quang Thạch - Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng.
Ảnh Khang Nguyễn
Điều này dẫn tới hậu quả tất yếu là mỗi học sinh nông thôn chỉ đọc 1-2 đầu sách ngoài sách giáo khoa trong năm học. Đó là nguyên nhân tại sao bình quân mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm, đặc biệt nghiêm trọng, sự thiếu sách và ít đọc sách của học sinh đã dẫn đến sự siêu lãng phí nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia.
Theo ông Thạch, giải pháp ở đây cần đẩy mạnh tủ sách Phụ huynh-tủ sách của dân, do dân và vì dân.
“Tủ sách Phụ huynh đặt tại các lớp học, vừa là giải pháp giúp học sinh nông thôn có sách bằng học sinh Hà Nội và các nước phát triển, vừa là giải pháp tâm lý nhằm chấm dứt sự cản trở học sinh đọc sách bởi một số cha mẹ và thầy cô giáo, và là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trên quy mô quốc gia” ông Thạch cho biết.
Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT Phạm Sỹ Bỉnh, hạn chế lớn nhất trong phát triển văn hóa đọc hiện nay là chưa có những quy định cụ thể để nâng cao nhận thức cũng như sự đầu tư của các lực lượng trong xã hội vào phát triển văn hóa đọc.
Coi phát triển lĩnh vực này có tầm quan trọng như các lĩnh vực khác của đời sống văn hóa; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng là một quá trình lâu dài, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ với nhiều yếu tố tác động: như môi trường xã hội, trình độ dân trí, phương thức tiếp cận thông tin, thị hiếu...
Hội thảo phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng cũng là nơi để các nhà khoa học, thầy cô giáo chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc đẩy mạnh phong trào đọc sách tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, giáo dục kỹ năng và phương pháp đọc cho mọi người dân.
Theo Phương Thảo/Giaoduc.net.vn