Facebook và hệ lụy
- Details
- Đăng ngày 08/12/2015 Lượt xem: 2007
Câu chuyện đang gây sự chú ý của cư dân mạng chính là việc ba học sinh THCS độ tuổi 13-14 ở Bình Định, Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng mạng xã hội Facebook, mạo danh thành viên tổ chức IS để đe dọa, kích động khủng bố.
Giới trẻ đang lạm dụng mạng xã hội Facebook
Mặc dù nhận định hành vi của các học sinh này vi phạm pháp luật nhưng do ở độ tuổi còn nhỏ, nhận thức hạn chế, khai báo thành khẩn, thừa nhận sai phạm, ăn năn hối lỗi, cam kết không tái phạm nên Bộ Công an đã giao cho chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường có biện pháp giáo dục xử lý.
Vẫn biết các em còn nhỏ, nhận thức hạn chế nhưng việc mạo danh tổ chức IS để đe dọa, kích động khủng bố trong khi cả thế giới đang lên án, huy động tổng lực để tiêu diệt hiểm họa đang đe dọa an ninh, hòa bình thế giới, là điều không thể chấp nhận được. Đây chỉ là hành động ngông cuồng, nhất thời thể hiện tính yêng hùng nông nổi của tuổi mới lớn hay do thiếu hiểu biết? Vốn là thành viên của nhóm tin tặc hoạt động trên không gian mạng và có kiến thức khá vững về công nghệ thông tin, các em đã nghĩ ra trò mạo danh này để tiêu khiển mà không ý thức được hệ lụy của nó. Bài học đầu tiên mà các em được nếm vị đắng sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện chắc cũng đủ để răn đe, đó là cái giá phải trả cho hành vi bồng bột, thiếu suy nghĩ này.
Còn chúng ta - gia đình, nhà trường và xã hội - sẽ rút được bài học gì khi giới trẻ đang lạm dụng mạng xã hội Facebook và sử dụng nó sai mục đích, thậm chí làm những việc trái đạo lý, bôi nhọ, vu khống người khác, kể cả thầy cô trên đó? Chuyện mới nhất xảy ra đối với thầy giáo H., dạy ở một trường THCS thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), khi bị học trò cũ lên Facebook vu khống, bôi nhọ thầy là đã xâm hại nhiều học sinh nữ. Bức xúc vì bị vu khống, xúc phạm danh dự nặng nề, thầy H. đã phải nhờ các cơ quan chức năng địa phương vào cuộc, tìm ra thủ phạm. Thế nhưng thủ phạm này chỉ nhận lỗi, xin lỗi với vài từ ngắn ngủi, sau đó gỡ nội dung này xuống…
Từ thực tế đáng báo động nêu trên, trường học cần phải định hướng về sử dụng mạng xã hội sao cho phù hợp, hiệu quả và trang bị cho học sinh hành trang, kỹ năng sống, ứng xử đúng chuẩn mực. Để giảm bớt những hành vi bồng bột, thích thể hiện “cái tôi” khác thường của tuổi mới lớn, rất cần tạo ra những sân chơi trải nghiệm, sáng tạo lành mạnh ở môi trường học đường.
Theo KHÁNH HÀ/SGGP Online