Đào tạo nghề - Khởi động mới
- Details
- Đăng ngày 13/11/2015 Lượt xem: 1816
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp (DN) cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để công tác đào tạo nguồn nhân lực thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Học sinh được giáo viên hướng dẫn thực hành máy may
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của DN
Tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (huyện Đức Hòa), công tác đào tạo nghề luôn được gắn với việc giải quyết việc làm và nhu cầu của DN. Do đó, trường chủ động thiết lập quan hệ với hơn 40 DN trong và ngoài tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh (HS) trong quá trình học và thực tập.
Trong đó, trường chủ động kết nối với các DN có ngành nghề sản xuất phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường, nhận phôi liệu cho HS thực hành, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu của DN. Nhờ vậy, HS có cơ hội rèn luyện thêm tay nghề và hứng thú hơn khi thực hành vì làm ra các sản phẩm có ích cho xã hội, được đưa vào sử dụng tại các DN. Thông qua hoạt động này, trường còn tăng thêm nguồn thu, tiết kiệm chi phí vật tư thực hành và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị.
Em Nguyễn Trung Tín, HS ngành Điện công nghiệp chia sẻ: “Cứ sau phần nội dung về lý thuyết, giáo viên hướng dẫn thực hành ngay. Trong quá trình thực hành, có gì chưa rõ, giáo viên giải thích cặn kẽ. Ngoài ra, em còn được nhà trường giới thiệu thực tập tại DN với công việc đúng với chuyên ngành học. Qua đó, em được học hỏi thêm nhiều kiến thức thực tế mới cũng như tiếp cận với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, góp phần rèn luyện thêm tay nghề”.
Học sinh thực hành nghề may
Ngoài việc chủ động trong công tác phối hợp các DN nhằm điều chỉnh mục tiêu đào tạo, trường còn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía DN để hoàn thiện hơn chương trình giảng dạy. Trường đã đưa DN trở thành một trong những chủ thể trong việc đào tạo nghề tại đơn vị, gắn chặt thêm mối quan hệ giữa nhà trường với DN.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: Vai trò của các trường nghề rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực nói chung; do đó, đòi hỏi chương trình đào tạo phải thích ứng với hoạt động sản xuất và công nghệ phải tương thích với công nghệ của DN. Trong đó, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế và đầu tư thiết bị phù hợp với hoạt động sản xuất của DN. Có như vậy, lao động sau khi được đào tạo mới thích ứng với công việc. Do đó, trường càng chú trọng hơn công tác phối hợp DN trong việc đào tạo nghề, để mỗi HS sau khi tốt nghiệp ra trường được trang bị kỹ về năng lực thực hành tương ứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu của DN.
Sau khi tốt nghiệp, học sinh được nhận vào làm tại các công ty theo đúng chuyên ngành được học
HS thực tập giúp nâng cao tay nghề
Trong quá trình học, ngoài học thực hành tại trường, HS còn được thực tập giữa khóa và cuối khóa. Qua đó, HS có thêm điều kiện áp dụng kiến thức, tay nghề vào thực tế sản xuất, đồng thời rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và làm quen với kiểu làm việc độc lập, làm việc theo nhóm như một công nhân thực thụ.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) - Trần Văn Thám cho biết: Hiện trường có mối liên hệ với khoảng 20 DN để giới thiệu cho HS thực tập giữa và cuối khóa. Thông qua việc thực tập, HS được rèn luyện tay nghề, tiếp cận, làm quen với các DN và thuận lợi hơn trong xin việc làm. Ngoài ra, sau khi thực tập tại các DN, nếu được nhận vào làm thì các em không phải qua bước thử việc.
Thực tập tại các DN, HS hứng thú, phấn khởi hơn khi trực tiếp tham gia vào sản xuất và được trả thù lao trong quá trình thực tập, góp phần trang trải phần nào chi phí học tập và sinh hoạt.
Em Nguyễn Quốc Triều, HS ngành Điện công nghiệp Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa chia sẻ: “Nhờ thực tập, em được rèn luyện thêm tính kỷ luật và tác phong công nghiệp. Ngoài ra, nhờ nắm vững kiến thức cơ bản được đào tạo ở trường, em học nhanh hơn trong việc ứng dụng các máy móc, thiết bị, linh kiện hiện đại của công ty”.
Bên cạnh đó, khi học sinh thực tập tại các DN, sự gắn kết giữa nhà trường và các DN thêm chặt chẽ, giáo viên, cán bộ quản lý có thêm điều kiện học tập kinh nghiệm thực tế sản xuất. Nhờ vậy, giáo viên, cán bộ quản lý bổ sung kinh nghiệm vào thực tế giảng dạy, công tác quản lý, đặc biệt là công tác giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho HS.
Đào tạo nghề gắn kết với DN giúp các trường nghề có sự liên hệ chặt chẽ hơn với DN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. HS có cơ hội thực tập, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đúng ngành nghề được đào tạo. Riêng với DN chọn lựa được những lao động có tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp tốt./.
Theo Ngọc Thạch/Báo Long An Online