Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân thiếu chỉ tiêu các trường ĐH, CĐ


           Theo Thủ tướng, việc tăng nhanh số trường đại học, cao đẳng trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng nhiều trường không tuyển đủ số lượng học sinh, sinh viên.
           Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2010-2015, trong đó có nội dung về ngành giáo dục.Thành công nổi bật của ngành giáo dục mà báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra là tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

           Trong tháng 7/2015, ngành giáo dục đào tạo đã tổ chức thành công kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015. Đây là năm đầu tiên tổ chức một kỳ thi với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng; thể hiện quyết tâm đổi mới thi cử, mở đầu cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tại khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Ảnh chụp qua màn hình.

           Tuy nhiên, việc tăng nhanh số trường đại học, cao đẳng trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng nhiều trường đại học, cao đẳng và nhất là các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp không tuyển đủ số lượng học sinh, sinh viên cho khóa học mới.

           Mạng lưới trường, lớp mầm non được củng cố, mở rộng. Năm học 2014-2015, toàn quốc có 14.203 trường (tăng 336 trường so với năm học trước), trong đó, ngoài công lập là 1.824 trường (chiếm 12,8%). Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 3.545 trường (tăng 2,4% so với năm học trước). Đến tháng 6/2015, có 32 địa phương được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (đạt tỷ lệ 50,8%), ước thực hiện đến hết năm 2015 có 57 tỉnh đăng ký hoàn thành (đạt tỷ lệ 90,5%).

           Giáo dục phổ thông đã chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa truyền thống, hiểu biết xã hội; mở rộng việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

           Năm học 2014-2015, cả nước có 28.922 trường phổ thông (ngoài công lập khoảng 2%). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khoảng 43,7%, trong đó: trường tiểu học khoảng 50,4% (tăng 2,4%), trường trung học cơ sở khoảng 38,86% (tăng 6,36%), trường trung học phổ thông khoảng 26,22% (tăng 8,62%). Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được củng cố và phát triển, hiện cả nước có khoảng 308 trường phổ thông dân tộc nội trú và 876 trường phổ thông dân tộc bán trú.

           Giáo dục chuyên nghiệp: Đang triển khai thực hiện chương trình đào tạo theo cách tiếp cận năng lực hành nghề theo phương châm "thực học, thực nghiệp" theo chuẩn quốc tế; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, chuyên gia trong việc xây dựng, thực hiện chương trình theo cách tiếp cận năng lực.

           Giáo dục đại học: Đã thực hiện thay đổi mô hình từ chú trọng phát triển số lượng sang mô hình chú trọng chất lượng và hiệu quả; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học; giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; chỉ đạo đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động, các nhà tài trợ; chỉ đạo rà soát, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo; xây dựng và công bố trang tra cứu thông tin về đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.

           Đào tạo nghề: Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được đầu tư tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm.

           Cơ chế liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh về nông, lâm, ngư nghiệp, bước đầu phát huy hiệu quả góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động. Dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định, có trên 30% người lao động sau học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác sau học nghề.

Theo Dương Thu/Nguoiduatin.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​