Hạn chế gánh nặng “ngoài học phí”
- Details
- Đăng ngày 09/10/2015 Lượt xem: 1978
Từ năm học 2015 - 2016, tất cả các bậc học đều tăng học phí. Dù ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định rằng học phí mới không tác động lớn đến người học, nhưng trên thực tế những khoản ngoài học phí lại tác động rất lớn.
Trong chi phí học tập hiện nay, những khoản ngoài học phí mới là gánh nặng chính của người học. Ở mầm non, tiểu học, phổ thông... là các khoản lạm thu mang vỏ bọc xã hội hóa, tiền học thêm; còn ở hệ đại học là tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống, đi lại… của sinh viên. Chi phí dành cho việc học tập của người dân ngày càng lớn, trong khi lương tăng chậm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, mỗi lần đón nhận thông tin tăng các loại phí, trong đó có học phí, người dân lại thấy lo lắng.
Tuy bậc tiểu học không thu học phí nhưng có hàng chục khoản tiền các bậc phụ huynh phải nộp, trong đó có không ít khoản nộp núp bóng “xã hội hóa”. Nhiều phụ huynh phàn nàn, dù con chỉ học mầm non lớp 2 tuổi mà đầu năm học đóng đủ các khoản cũng gần 2 triệu đồng, bởi tuy học phí không đáng bao nhiêu nhưng riêng khoản xã hội hóa giáo dục đã mất 400.000 đồng, cộng thêm tiền đồng phục, quỹ hội phụ huynh của trường, quỹ lớp...
Học phí các bậc học phổ thông có thể chưa quá cao nhưng chi phí học tập của người dân ngày càng tăng lên. Chị Nguyễn Thị Hương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chi phí cho một con học tiểu học công lập chỉ hết khoảng 1 triệu đồng/tháng, nhưng gia đình phải mất thêm khoảng 1,2 triệu đồng để chi cho việc học thêm của con, trong đó phần nhiều là học tiếng Anh ở ngoài nhà trường. Sự thật, không phải là gia đình muốn tốn tiền cho con học thêm nhưng với cách dạy tiếng Anh ở trong trường hiện nay thì không đáp ứng yêu cầu của gia đình. Vì vậy, người dân vẫn mất rất nhiều chi phí học tập khác cho con ở ngoài nhà trường để bảo đảm kỳ vọng của mình cho tương lai con cái.
Trong khi đó, ở bậc đại học, học phí là cả một vấn đề đối với người dân, nhất là người dân ở nông thôn, con nhà nghèo. Ông Nguyễn Văn Thịnh (huyện Giao Thủy, Nam Định) chia sẻ, mức học phí đại học mới mà Chính phủ đề ra là cao, người dân bình thường “gánh” rất khó khăn. “Gia đình tôi có 2 con đi học đại học, một học đại học y, một học kinh tế. Bố mẹ đều là công nhân viên chức, cộng cả làm thêm mỗi tháng tổng thu nhập 15 triệu đồng. Chi phí học cho 2 con hết tối thiểu 9 triệu đồng/tháng. Mọi thứ sinh hoạt còn lại phải dè sẻn trong 6 triệu đồng còn lại. Tôi không biết nhiều nhà ở nông thôn thu nhập trông vào vài sào ruộng, công việc bấp bênh, có con cái đi học đại học là cả nhà vất vả”, ông Thịnh nói. Đã thế, bản thân các em sinh viên nông thôn học tập ở những đô thị lớn còn phải chịu sự thiếu thốn đủ bề. Trung bình mỗi sinh viên ngoại tỉnh trọ học ở Hà Nội chi tiêu tiết kiệm nhất cũng tốn khoảng gần 4 triệu đồng/tháng, trong đó riêng tiền nhà trọ, điện, nước đi kèm đã tốn khoảng 1 triệu đồng. Như vậy, các khoản chi phí ngoài học phí còn cao gấp 3-4 lần.
Sinh viên Trường Đại học KHTN TPHCM học nhóm. Ảnh minh họa: MAI HẢI
Điều quan trọng hơn, dù đã tốn tiền cho con cái đi học nhưng người dân lại chưa hài lòng với chất lượng giáo dục - đào tạo hiện nay. Ở bậc dưới thì học sinh vẫn phải tốn thêm nhiều tiền để học thêm kỹ năng sống, ngoại ngữ. Còn bậc đại học thì nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Con số có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp hiện nay thực sự là “món nợ” mà xã hội luôn đòi hỏi ngành giáo dục phải giải quyết. Học phí tăng nhưng chất lượng đào tạo có tăng? Đó là điều mà người dân đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thấu hiểu và có giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế sự “lãng phí” tiền bạc của người dân hơn là những câu khẳng định thiếu thuyết phục kiểu như “phí tăng không gây tác động lớn”.
Theo LÂM NGUYÊN/SGGP Online