Tăng học phí ĐH, chất lượng có tăng?


        Việc các trường ĐH dự kiến đồng loạt tăng học phí kịch trần có giúp chất lượng đào tạo tăng theo hay không là trăn trở của nhiều chuyên gia giáo dục cũng như người học
        Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới ở các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ năm 2015-2016 đến 2020-2021.

        ĐH tự chủ tài chính: 11,5-16 triệu/năm

        Theo dự thảo, mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) vẫn tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; y dược.

        Dự kiến mức học phí nhóm ngành y dược sẽ tăng ở mức 45 triệu đồng/năm.

Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM trong giờ học Ảnh: TẤN THẠNH

        Mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả nhóm ngành nghề đều là 10%/năm tính từ mức trần học phí năm học 2014-2015. Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015-2016 sẽ dao động 605.000-880.000 đồng/tháng, tùy nhóm ngành nghề. Với năm học kéo dài 10 tháng, mỗi sinh viên sẽ đóng 6-8,8 triệu đồng.

        Đối với các trường tự chủ tài chính, mức trần học phí cũng được phân theo nhóm ngành nghề. Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy mà các trường này được phép thu dao động trong khoảng 11,5-16 triệu đồng (năm học 2015-2016). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm.

        Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cơ chế hoạt động tự chủ tài chính, các trường tự chủ tài chính đã công bố mức học phí khá cao. Trường ĐH Kinh tế TP HCM có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà là 14,5 triệu đồng năm học 2015-2016 và sẽ lên tới 16,5 triệu đồng năm học 2016- 2017. Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, mức thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng, năm 2016-2017 là 16,5 triệu đồng.

        Trường ĐH Hà Nội cũng có mức học phí mới khá cao. Năm học 2014-2015, mức học phí tối đa của trường là 7,8 triệu đồng, năm 2015- 2016 tăng lên 12 triệu đồng và đến năm 2016-2017 là 14 triệu đồng. Trường ĐH Ngoại thương có mức thu học phí năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng, năm 2016-2017 là 16 triệu đồng.

        Lãnh đạo Phòng Đào tạo, Trường ĐH Hà Nội cho hay cùng với việc tăng học phí, nhà trường cam kết cung cấp dịch vụ đào tạo đa dạng, phù hợp với nhu cầu xã hội và theo chuẩn quốc tế. Tất cả dịch vụ quản lý, thư viện điện tử, nhà ăn sinh viên… sẽ được cải tiến cho phù hợp. Trường ĐH Ngoại thương cũng cam kết bảo đảm chất lượng khi thu học phí cao, như: tăng cường cơ sở vật chất, giảm sĩ số mỗi lớp học từ 140 sinh viên hiện nay xuống còn 100 hoặc 80…

        Không lợi dụng tự chủ để lạm thu!

        Nguồn thu của các trường tự chủ tài chính chủ yếu vẫn là từ học phí được quyết định bởi hai yếu tố là chỉ tiêu đào tạo và mức thu. Vì vậy, nhiều trường ĐH phải co kéo, “lấy ngắn nuôi dài” như thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để lấy kinh phí bù cho các chương trình đào tạo chính quy.

      Trong điều kiện ấy, việc tăng học phí là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là học phí tăng, chất lượng giáo dục có tăng tương ứng?

        Chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận chất lượng đào tạo hệ ĐH còn thấp, nội dung đào tạo trong các trường ĐH còn nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên. Những tồn tại này đã dẫn đến một hệ lụy là số sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên đã ngậm ngùi cất đi tấm bằng ĐH, chấp nhận làm trái ngành nghề gây nên sự lãng phí lớn.

        PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng thực tế không phải lúc nào cũng “tiền nào của nấy” - học phí nhiều thì chất lượng đào tạo tăng. Trong điều kiện thiếu thông tin như hiện nay, người học khó có thể được bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Vì thế, theo ông, điều đầu tiên khi tăng học phí là cần phải minh bạch, không được để xảy ra tình trạng trường lợi dụng “tự chủ” để lạm thu.

        “Nhà nước phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính. Ví dụ, trước đây học phí cũ thế nào, trường được nhà nước cấp định mức trên đầu sinh viên bao nhiêu; nay khi tự chủ, học phí mới gồm những khoản chi gì…Vấn đề này cũng phải công khai hóa trên internet” - PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.

        Một chuyên gia giáo dục cũng lo lắng rằng việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nếu làm không đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến hiện tượng lợi ích nhóm. Bởi lẽ, khi các trường chỉ chạy theo lợi ích kinh tế bằng cách tuyển chọn càng nhiều người học càng tốt nhưng lại sao lãng việc nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy thì sẽ chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”.

        “Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ phải gắn với quyền tự chịu trách nhiệm. Điều này có nghĩa là tự chủ phải dựa trên các tiêu chí về quản lý, năng lực và chất lượng hoạt động thực sự của các trường. Trường nào có chất lượng giáo dục tốt, có khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Quyền tự chủ về tài chính gắn với những nhiệm vụ được giao thì sẽ thúc đẩy các trường phải bảo đảm chất lượng đào tạo, tự chịu trách nhiệm trước những hệ quả đào tạo của mình đối với xã hội” - chuyên gia này phân tích.

Cần có chính sách cho sinh viên nghèo

PGS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề: Cùng với việc tính học phí theo đúng chi phí đào tạo, nhà nước cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn không lấy lãi dài hạn hay cấp học bổng để giúp sinh viên nghèo có cơ hội đi học. “Hãy nghĩ đến những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Họ sẽ mất đi cơ hội được học ở giảng đường ĐH nếu không có chính sách hỗ trợ” - PGS Nhĩ nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết bên cạnh việc các trường tăng học phí, nhà nước cũng có chính sách học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo. Bên cạnh đó là chính sách vay tín dụng cho tất cả sinh viên với lãi suất thấp. Nếu học phí nâng lên thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên.


Theo YẾN ANH/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​