Công nhân với nỗi lo gửi trẻ
- Details
- Đăng ngày 25/09/2015 Lượt xem: 1907
Đầu năm học mới, gánh nặng lại đè lên vai phụ huynh, nhất là đối với những công nhân (CN). Ngoài việc lo quần áo và khoản phí phải đóng vào đầu năm học, CN ở trọ có con nhỏ còn chật vật tìm nơi gửi trẻ.
Cơ sở trường lớp vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ trong tỉnh
Mỏi mòn chờ nhà trẻ
Việc tìm nơi giữ trẻ đối với dân nhập cư không phải dễ. Vì nhiều lý do khác nhau, họ đành gửi con vào các nhóm trẻ gia đình hoặc “gửi tạm” cho những gia đình trông trẻ tự phát tại các khu nhà trọ. Có mặt tại một nhà trọ dành cho CN tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, chúng tôi ghi nhận được một số trường hợp CN có con nhỏ, mặc dù đã đến tuổi vào mẫu giáo nhưng các cháu phải ở nhà với ông bà. Thậm chí, có người gửi con cho chủ nhà trọ.
Chị Nguyễn Thị Loan, chủ nhà trọ ở ấp 3, xã Long Hậu cho biết: “Nhà trọ của gia đình tôi có đến 30 phòng, dù không được rộng rãi nhưng giá rẻ nên phù hợp với túi tiền của CN. Vài người có con nhỏ phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, còn lại đa số trẻ sống cùng cha mẹ. Vì không đủ tiền để gửi con vào nhà trẻ, vài gia đình CN đem con đến gửi cho tôi, mỗi tháng 1 triệu đồng/cháu. Ba mẹ tụi nhỏ có lúc tăng ca đến 8-9 giờ tối mới về nhà trọ; gửi chỗ tôi, tôi lo ăn uống rồi cho ngủ luôn. Gần đây, tôi nói với ba mẹ nó nên tìm cách cho bọn trẻ đến trường vì đã đến tuổi đi học. Gửi tôi thế này, tôi chỉ trông chừng thôi chứ không có dạy được”.
Hay như vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, CN Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức chia sẻ, cả 2 vợ chồng chị quê ở Kiên Giang, có 2 đứa con. Đứa lớn năm nay học lớp 2, ở với ông bà nội. Còn đứa nhỏ theo ba mẹ sinh sống tại nhà trọ. Ban đầu, vợ chồng chị không tìm được trường để gửi trẻ nên đành gửi cho nhóm trẻ gia đình gần chỗ trọ. Sau này, chị may mắn gửi được tại cơ sở mầm non ở thị trấn Bến Lức. Với đồng lương bấp bênh của CN, vừa phải đóng tiền trọ, tiền chi tiêu sinh hoạt, lại phải gửi về quê phụ nuôi con,... nên vợ chồng chị đang dự định, nếu tích lũy được ít tiền sẽ về quê tìm một công việc thích hợp hơn.
Thiếu trường lớp
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh có 200 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), gồm 128 trường mẫu giáo và 72 trường mầm non. Trong đó, có 188 trường công lập và 12 trường tư thục. Ngoài ra, còn có 34 cơ sở mầm non tư thục và 167 nhóm trẻ tư thục (tổ chức tại gia đình). Mặc dù số lượng trường, nhóm trẻ tư thục có tăng nhưng hằng năm, áp lực tìm trường gửi trẻ tại các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa,... vẫn rất lớn.
Đã đủ tuổi đến trường, nhưng một số trẻ vì điều kiện, cha mẹ đành phải “gửi tạm” cho chủ nhà trọ tại xã Long Hậu
Số trẻ gửi ở nhà trẻ, nhóm trẻ là trên 4.400 cháu, đạt 9,76%; trong đó, có hơn 3.100 trẻ ở nhóm, cơ sở tư thục. Tổng số trẻ đến nhà trẻ, nhóm trẻ diện ngoài quốc lập chiếm trên 70% so với tổng số trẻ đến nhà trẻ, nhóm trẻ. Trong khi đó, nhờ thực hiện việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi nên tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%. Tổng số trẻ đến trường, lớp mẫu giáo diện ngoài quốc lập đạt 8,31% so với tổng số trẻ đến trường, lớp mẫu giáo. Qua đó có thể thấy được, quy mô GDMN tiếp tục gia tăng, nhất là việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp. Trong khi đó, công tác huy động trẻ 0-2 tuổi đến trường mầm non còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nên không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, đặc biệt là các địa phương có khu, cụm công nghiệp phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp, hơn 1.790 khu nhà trọ với trên 16.600 phòng, cho hơn 40.000 CN lao động thuê trọ. Từ con số này có thể thấy được, số lượng CN trên địa bàn rất đông, nhu cầu cần gửi trẻ cũng không hề nhỏ. Trong khi các khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động có xây dựng nhà giữ trẻ cho CN còn quá ít, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như vấn đề tìm kiếm nơi gửi trẻ cho con CN. |
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa - Lê Ngọc Khanh thông tin: Đức Hòa ưu tiên cho các cháu mẫu giáo 5 tuổi ra lớp để thực hiện phổ cập GDMN, tỷ lệ này giảm dần theo độ tuổi của trẻ nên số trẻ đến nhà trẻ rất thấp. Huyện có 26 trường mầm non (20 trường công lập), 35 nhóm trẻ tư thục. Số lượng CN tại huyện tập trung đông nhưng duy nhất chỉ có Khu công nghiệp Tân Đức khi đi vào hoạt động có xây dựng trường mầm non, nhưng số trẻ được nhận vào quá ít nên không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của CN. Vì vậy, thời gian qua, việc xuất hiện các cơ sở mầm non tư thục và các nhóm trẻ gia đình đã giải quyết được phần nào vấn đề cấp thiết này.
Tuy nhiên, một số cơ sở mầm non tư thục, nhà trẻ mở không đúng quy định. Nếu ngành giáo dục làm “căng” cũng khó, vì CN rất cần nơi gửi trẻ. Vì vậy, việc cấp phép và không cấp phép cho những nhà trẻ này rất nan giải. Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở này thực hiện các quy định về bếp ăn cho trẻ, diện tích phòng học, đồ chơi, đồ dùng,... đến trình độ giáo viên khi đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát, ngành giáo dục tiếp cận được với một số con CN mặc dù đã 5 tuổi nhưng chưa được đến trường. Lý do cũng bởi kinh tế và trường lớp nên họ đành để cho con đến tuổi vào luôn... lớp 1.
Vẫn còn gặp khó
Tình trạng thiếu cơ sở vật chất đối với GDMN đã xảy ra nhiều năm nay, nhất là các huyện đầu tư phát triển công nghiệp. Vấn đề đã được ngành giáo dục kiến nghị nhiều lần và tìm ra hướng giải quyết nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn vào đầu năm học.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc - Phạm Quốc Tuấn, nên kiến nghị những nhà đầu tư khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động, ngoài vấn đề tái định cư cho người dân, cần cam kết xây dựng trường học để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Võ Tây Phiên cho rằng, cần có chính sách ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển GDMN nói chung và GDMN cho trẻ em 5 tuổi nói riêng. Đồng thời, khi thực hiện các dự án khu, cụm công nghiệp cần bảo đảm xây dựng trường học phục vụ cho con CN,...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thị Huệ cho biết, với những áp lực, khó khăn cho GDMN ở một số huyện có đông CN, thiết nghĩ thời gian tới, tỉnh cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài nguồn lực Nhà nước, huy động xã hội hóa giáo dục là vấn đề cần thiết. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở mầm non tư thục được xây dựng khá khang trang như: An Nông, Rồng Vàng (huyện Bến Lức), Tuổi Thơ (Long Hậu), nhưng con số này còn quá ít so với số lượng con CN cần gửi. Vì vậy, cần kêu gọi những nhà đầu tư, các cơ sở tư nhân cùng chung tay với Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020”, có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Đề án này sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi cho nam, nữ CN có con dưới 36 tháng tuổi. Hy vọng khi đề án được triển khai sẽ giảm áp lực và giải quyết được phần nào khó khăn về nhu cầu gửi trẻ của CN./.
Theo Thanh Nga/Báo Long An Online