Có nên giao quyền tự chủ bổ nhiệm giáo sư?


         Hiện nay, quy trình phong học hàm PGS, GS có nhiều bất cập. Có những người đã được phong GS nhưng thành tích nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn không thuyết phục giới học thuật
         Có ý kiến cho rằng phong giáo sư (GS) dựa trên quan niệm coi GS là một học hàm có giá trị suốt đời; còn bổ nhiệm GS dựa trên quan niệm coi GS là một chức vụ chuyên môn gắn với những bổn phận trách nhiệm nhất định, đòi hỏi một tiêu chuẩn trình độ và thành tích chuyên môn nhất định. Vì vậy, nó tự động hết giá trị khi việc thực hiện những bổn phận trách nhiệm đó không còn nữa.

         Vì sao các trường muốn tự bổ nhiệm giáo sư?

         Phân biệt như trên không có gì sai nhưng trong thực tế hiện nay của Việt Nam, nó không có ý nghĩa gì. Bởi lẽ, thực chất của học hàm hay chức danh GS là vấn đề định danh, là địa vị chuyên môn và nó thể hiện sự đánh giá uy tín chuyên môn của giới giảng viên, nghiên cứu.


Minh họa: Khều

         Chừng nào Hội đồng Học hàm chức danh của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tồn tại thì việc các trường tự phong/bổ nhiệm GS sẽ còn tạo ra những lẫn lộn không nên có. Không nên gán 2 quan niệm, 2 ý nghĩa khác nhau cho cùng một từ vì về phương diện ngôn ngữ, điều này không chấp nhận được.

         Cho nên, cần lựa chọn dứt khoát 1 trong 2: duy trì cách làm hiện nay với Hội đồng Học hàm chức danh nhà nước và cải thiện những bất cập hoặc thay đổi quan niệm về học hàm GS và giao quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm GS về cho các trường. Trong trường hợp thứ hai, nhà nước có thể quản lý quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm GS của các trường hoặc chỉ cần yêu cầu các trường phải nêu công khai quy trình và tiêu chuẩn này nhưng không can thiệp vào quyết định của các trường. Cách thứ hai phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

         Có một thực tế là hiện nay, quy trình phong học hàm PGS, GS có nhiều bất cập. Tiêu chuẩn đề ra phức tạp nhưng không hợp lý, ví dụ đánh đồng giữa bài báo trong nước và tạp chí quốc tế. Cách bình chọn qua 3 vòng cũng thiên về cảm tính, nhìn có vẻ nghiêm ngặt nhưng vẫn thiếu minh bạch, công khai. Quan trọng nhất là có những người đã được phong GS nhưng thành tích nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn không thuyết phục được giới học thuật.

         Một số trường muốn thay đổi những điểm bất cập này và xác lập một quy trình, tiêu chuẩn gần hơn với thực tiễn quốc tế. Về nguyên tắc, những nỗ lực này cần được ủng hộ. Tuy vậy, cần phải nhìn vào việc làm thực tế của những trường này: Một là, quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm của họ là gì? Hai là, những ai hiện diện trong hội đồng xét chọn đánh giá của họ? Ba là, kết quả là họ đã bổ nhiệm cho những người nào, trên cơ sở những thành tích gì và kết quả này có nhất quán với quy trình, tiêu chuẩn mà họ đã đề ra và uy tín thực sự của những người được bổ nhiệm có sức thuyết phục hay không? Bốn là, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc, đòi hỏi trách nhiệm dành cho những GS được bổ nhiệm như thế nào?

         Nếu không có câu trả lời cho 4 câu hỏi nêu trên, chúng ta không có cơ sở để có thể đánh giá việc tự bổ nhiệm GS ở các trường có đáng được ủng hộ hay không.

           Cần học cách chấp nhận chuẩn mực chung

         Trường tự bổ nhiệm GS có vi phạm pháp luật hay không? Thông lệ quốc tế là “được làm tất cả những gì luật pháp không cấm”, còn thực tế Việt Nam thì “chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”. Trong trường hợp thứ nhất thì các trường không phạm luật, còn trong trường hợp thứ hai thì có. Nếu đã bước vào sân chơi toàn cầu, chúng ta cũng cần học cách chấp nhận những chuẩn mực chung.

         Về nguyên tắc, đó là thông lệ quốc tế và chúng ta cần vươn tới chỗ hội nhập được với những thông lệ đó.

         Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại của Việt Nam, nếu không có những bước đi thích hợp, có thể điều này sẽ dẫn đến tùy tiện và lạm phát, khiến học hàm/chức vụ GS chẳng những không còn ý nghĩa gì mà lại tạo ra tình trạng loạn chuẩn mực, làm người dân không còn tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì. Vì vậy, tự chủ bao giờ cũng phải gắn với trách nhiệm giải trình. Các trường phải có năng lực biện minh cho những quyết định của mình một cách công khai. Thiết lập quy trình giải trình trách nhiệm ấy là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, tức Bộ Giáo dục và Đào tạo.

         Có nên lo ngại việc mỗi trường có những tiêu chuẩn khác nhau khiến chất lượng GS của các trường không thống nhất? Điều này là một thực tế nhưng không đáng lo ngại. Cũng không cần lúc nào cũng phải gắn tên trường vào sau chữ GS để phân biệt hàng hiệu và hàng chợ. Bởi lẽ, có những cách khác tốt hơn và đơn giản hơn để đánh giá năng lực chuyên môn của giới học thuật.

         Nếu đã học thông lệ quốc tế trong việc bổ nhiệm GS thì cũng nên học những thông lệ khác cho nhất quán: các trường ĐH có uy tín đều công khai thành tích chuyên môn, danh sách bài báo khoa học, bằng phát minh sáng chế, giải thưởng chuyên ngành nếu có của từng giảng viên trên trang web nhà trường. Lý lịch này có ghi rõ đơn vị bổ nhiệm chức vụ GS. Tất cả thông tin này đều có thể kiểm chứng.

         Các trường cần công khai tiêu chuẩn và quy trình xét chọn, bổ nhiệm của mình trên trang web. Chỉ cần vài phút tìm trên internet, ta có thể biết một người đã được phong GS ở trường nào, dựa trên những tiêu chuẩn ra sao, thành tích nghiên cứu của người ấy gồm những gì và hội đồng xét chọn là những ai.

         Minh bạch và công khai là điều tuyệt đối cần thiết trong những vấn đề học thuật.

Theo Phạm Thị Ly - Trần Thanh Dũng/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​