Thi được 27,5 điểm nhưng trượt Đại học vì không biết bố từng có tiền án
- Details
- Đăng ngày 17/09/2015 Lượt xem: 1468
(GDVN) - Xếp thứ hai trong danh sách trúng tuyển của Học viện Chính trị Công an nhân dân, nhưng Nhi bất ngờ nhận được tin trượt Đại học vì bố em từng có tiền án.
Không biết bố từng có tiền án
Trong khi nhiều tân sinh viên đang tất bật, háo hức đến trường nhập học thì em Bùi Kiều Nhi lại hụt hẫng, thất thần vì bất ngờ bị… trượt Đại học dù em thi được 27,5 điểm khối C.
Bùi Kiều Nhi (SN 1997, trú tại thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), là con thứ 2 trong một gia đình có 4 chị em.
Bố mất cách đây 2 năm, một mình mẹ em là bà Phạm Thị Thanh Bình (SN 1971) nuôi mấy chị em ăn học.
Dù đạt được số điểm gần tuyệt đối, em Bùi Kiều Nhi vẫn bị trượt Đại học ( Ảnh: Hoàng Hà)
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình mẹ lại nuôi 4 chị em nên Nhi luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mẹ. Em mơ ước được đứng vào hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân.
Trải qua kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, em đã tự tin nộp hồ sơ vào ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước của Học viện Chính trị Công an nhân dân với số điểm 27,5 khối C (chưa tính điểm ưu tiên).
Theo đó, tên em đã xướng tên đứng thứ 2 trong danh sách trúng tuyển của ngành mà mình lựa chọn.
Ngày biết Nhi đỗ, người thân, bạn bè và hàng xóm của Nhi đã rất vui mừng. Tuy nhiên, một sự cố hy hữu xảy ra làm Nhi từ đang đỗ thành trượt Đại học đã khiến em bị “sốc” và hụt hẫng.
Kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia của Nhi (Ảnh: Hoàng Hà)
Ngày 1/9, Nhi và gia đình nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa về việc em “thiếu trung thực” trong phần khai lý lịch. Xét về phẩm chất đạo đức, em không đảm bảo và không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân.
Trong công văn của Công an huyện Tuyên Hoá có nói, ở phần lý lịch bản thân, Nhi khai bố không có án tích.
Trong khi đó, qua xác minh hồ sơ đương sự, Công an huyện Tuyên Hóa phát hiện ở hồ sơ lưu trữ, ông Bùi Vĩnh Tường – Bố đẻ Nhi đã bị Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ” theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/1992.
“Em thật sự không biết bố mình từng có án tích, từ nhỏ đến giờ, em chưa hề nghe ai nói. Em không ghi vào hồ sơ là vì em không biết chứ không phải em không trung thực.
Khi bố còn sống, em cũng từng nhiều lần tâm sự với bố về nguyện vọng sau này muốn được làm công an. Những lúc đó, bố rất vui và luôn tin tưởng, ủng hộ em, nhưng chưa bao giờ bố nói cho em biết về việc bố từng có án tích”, Nhi buồn bã kể lại.
Bà Phạm Thị Thanh Bình, mẹ Nhi cũng cho rằng, bà không biết sự việc chồng bà từng bị kết án 9 tháng tù treo.
“Sự việc xảy ra trước khi chúng tôi cưới nhau nên tôi không biết, tôi cũng chưa hề nghe ai nhắc tới. Đến khi nhận được công văn của Công an huyện, mẹ con tôi thực sự thấy “sốc”. Chỉ vì không biết mà tôi đã làm lỡ ước mơ cả đời của con”, bà Tâm nói.
Gửi thư cầu cứu Bộ trưởng
Sự việc em Bùi Kiều Nhi trượt Đại học dù đạt điểm cao trở thành đề tài bàn tán của người dân làng trên xóm dưới ở xã Đức Hóa trong thời gian qua, ai cũng tỏ ra tiếc nuối cho em.
Còn với Nhi, em đã rất buồn, hụt hẫng nhưng được sự động viên của gia đình và bạn bè, em quyết định viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Bà Phạm Thị Thanh Bình, (mẹ Nhi) khẳng định mình không biết việc chồng mình từng có án tích
(Ảnh: Hoàng Hà)
Trò chuyện với Nhi, em cho biết, em đã gửi đi ba bức thư viết tay cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, một bức thư viết tay và một thư gửi qua mail cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Trong các bức thư gửi hai Bộ trưởng, Nhi nói rõ về hoàn cảnh gia đình, sự vô tình không biết quá khứ của bố dẫn đến kết quả không may như ngày hôm nay. Em cũng nói lên mong muốn, nguyện vọng của mình và mong nhận được phản hồi từ Bộ trưởng.
Nhi tâm sự: “Em đã từng rất vui mừng vì được vào trường mình yêu thích, nhưng sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến em thấy hụt hẫng và có đôi chút chán chường.
Nếu không vào được trường Công an thì em muốn được vào học ngành Sư phạm tiểu học ở trường Đại học sư phạm Huế. Nhưng… em vẫn muốn làm công an lắm!”, Nhi nói.
Công văn của Công an huyện Tuyên Hóa gửi Nhi và gia đình (Ảnh: Hoàng Hà)
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết: “Chúng tôi chỉ là những người hướng dẫn cho các em làm hồ sơ theo quy định của Bộ công an. Trước khi làm hồ sơ dự tuyển, chúng tôi cũng đã hướng dẫn rất kĩ các em trong việc làm hồ sơ, thông tin về lí lịch của những người thân trong gia đình.
Trong quy định của Bộ cũng có phần cam kết của thí sinh và gia đình về việc cung cấp các thông tin đó.
Nếu có vấn đề gì không trung thực thì thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đối với trường hợp của thí sinh Bùi Kiều Nhi, bản thân tôi cũng thấy rất đáng tiếc”.
Theo Hoàng Hà/Giaoduc.net.vn