Dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh: Khó trăm bề!
- Details
- Đăng ngày 09/09/2015 Lượt xem: 1653
TP HCM hiện có 10 trường THPT dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh. Việc mở rộng chương trình này gặp nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ giáo viên khan hiếm, trong khi giáo trình vẫn tự mày mò
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết trường chỉ giảng dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh ở khối lớp 10, không thể thực hiện được ở các khối khác vì giáo viên (GV) cơ hữu của trường không đủ khả năng giảng dạy, trong khi tuyển đội ngũ GV này rất khó do yêu cầu cao. Trường phải hợp đồng với 2 GV của trung tâm chuyên đào tạo GV dạy chương trình này.
Tìm đâu ra GV đa năng?
Hiện nay, 10 trường THPT dạy chương trình toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh, gồm: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân, Lương Thế Vinh, Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Thượng Hiền, Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên vì là chương trình thí điểm, mỗi trường sẽ thực hiện dựa theo điều kiện của mình nên có những cách khác nhau.
Một giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh Ảnh: TẤN THẠNH
Để giải quyết nhu cầu thiếu GV, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thuê GV người nước ngoài về bồi dưỡng cho đội ngũ GV cơ hữu dạy toán và các môn khoa học. Trường THPT Bùi Thị Xuân hợp đồng với GV của một trung tâm ngoại ngữ. Trong 3 GV dạy chương trình này của Trường THPT Gia Định thì có 1 GV dạy vật lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM...
Khó khăn về đội ngũ GV nhưng theo hiệu trưởng các trường đang thực hiện, do những yêu cầu đặc thù, dù thiếu nhưng không phải muốn tuyển là được. Bởi lẽ, đội ngũ này cần những tiêu chuẩn rất cao, trong khi mức lương được chi trả lại khiêm tốn. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho biết trường có 2 GV cơ hữu dạy toán, hóa bằng tiếng Anh rất tốt. Khi tuyển chọn, nhà trường đặt tiêu chí, GV vừa phải có kiến thức chuyên môn và giỏi về tiếng Anh. Riêng GV môn vật lý, trường hợp đồng bên ngoài người có trình độ thạc sĩ, từng học ở nước ngoài, đang giảng dạy ĐH. “Quan trọng nhất là họ chấp nhận mức thù lao vừa phải mà nhà trường có thể chi trả. Trường nằm trong khu vực lao động nghèo. Học sinh cũng không có khả năng đóng góp cao. Vì thế, kinh phí thấp mà đòi hỏi cao thì rất khó tìm được GV” - bà Cúc phân tích.
Trong khi đó, GV dạy toán bằng tiếng Anh một trường THPT tại quận 1 cho biết hiện nay, nhiều học sinh rất giỏi tiếng Anh, nếu trình độ tiếng Anh của GV kém hơn học sinh thì các em không phục, không chịu học. GV vừa phải giỏi chuyên môn vừa giỏi tiếng Anh thì lại rất hiếm.
Vừa triển khai vừa liệu cơm gắp mắm!
Dù được đánh giá là chương trình giúp học sinh làm quen với tiếng Anh chuyên ngành, nâng cao khả năng tư duy và cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ, tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có định hướng về đầu ra và chính sách hỗ trợ, khuyến khích GV thì vô hình trung làm khó các trường THPT, dù là thí điểm.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc TP HCM, cho rằng học sinh Việt Nam yếu ngoại ngữ. Do vậy, thông qua việc dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh là hợp lý nhưng các trường vẫn phải tự liệu cơm gắp mắm tất cả công đoạn từ việc soạn giáo trình, tuyển GV và khuyến khích học sinh.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết kể từ khi thực hiện thí điểm, nhà trường xác định sẽ tổ chức giảng dạy theo nhu cầu của học sinh và mục tiêu riêng của trường. Do đó, trường chỉ dạy cho các em khối lớp chuyên toán, lý, hóa và triển khai ở lớp 10, 11. Đến lớp 12 thì không thực hiện nữa để các em tập trung lo thi cử. Thời lượng giảng dạy là 2 tiết/tuần. Mục tiêu của trường cũng xác định rõ là giúp học sinh có kiến thức tra cứu tài liệu bằng tiếng Anh, chuẩn bị định hướng khi vào ĐH. Một mục đích khác là qua chương trình này, các em tăng khả năng giao tiếp trao đổi, phản biện bằng tiếng Anh.
Cô Lê Thị Diễm Trang, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Gia Định, cho hay đến nay, việc soạn giáo trình vẫn do GV tự mày mò, tham khảo trên các trang web uy tín về chuyên môn, phù hợp với mục tiêu giảng dạy của nhà trường. Trường cũng phải lựa chọn giáo trình trên cơ sở mang tính ứng dụng nhiều, không nặng lý thuyết và học sinh vẫn rèn luyện được khả năng giao tiếp tiếng Anh.
“Trước đây, trường sử dụng giáo trình của Cambridge nhưng đắt quá nên kham không nổi. Quá trình tự tìm tài liệu, thiết kế chương trình, chúng tôi không thấy vất vả nhưng bất cập ở chỗ, chương trình chính khóa hiện nay đã rất nặng, hơn nữa các môn chuyên cũng chiếm khá nhiều thời gian của học sinh, có nhiều em cũng không thích tham gia chương trình này vì lý do học để được gì?”- cô Trang nêu thực tế.
Giáo viên không chịu bồi dưỡng TS Nguyễn Đông Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Bồi dưỡng văn hóa song ngữ (NSETC) - một trong số ít trung tâm tổ chức đào tạo GV toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh, cho biết đến nay, trung tâm có gần 300 học viên đang theo học, trong đó 70% là sinh viên tại các trường sư phạm, 30% là GV cơ hữu của các trường cử đi. Một khóa bồi dưỡng tại trung tâm thường kéo dài 9 tháng, thế nhưng trong 30% GV các trường cử đi thì có đến 50% GV rớt và nghỉ do khó quá, một số GV không sắp xếp được thời gian. TS Hải lý giải có nhiều GV cảm thấy đi học không mang lại ích lợi gì, trong khi dạy thêm tiếng Anh thu được nhiều học phí. |
Theo Đặng Trinh/Nld.com.vn