Vì sao nhiều người sợ làm người tử tế?

          (GDVN) - Sống tử tế không khó, hãy tập làm người tử tế từ những điều nhỏ nhất như biết dành lời hỏi thăm, an ủi, động viên khi thấy mọi người xung quanh gặp bất trắc.

          Sự tử tế không phụ thuộc vào trình độ học vấn cao hay thấp, không xuất phát từ hoàn cảnh sống giàu có hay sang hèn.

          Tử tế phụ thuộc vào nhận thức, suy nghĩ của mỗi người. Trong khi nhiều người thốt lên: “Đâu rồi chuyện tử tế”? thì có không ít người lại không dám thể hiện sự tử tế của mình ra.

          Họ “giấu mình” rất kĩ vì sợ bị nhiều người cười chê, phỉ báng. Vì đâu lại có chuyện ngược đời như thế?

          Và đây chính là suy nghĩ của cô giáo Phan Tuyết trong bài viết đúc kết từ những chuyện cô biết mà Tòa soạn gửi tới bạn đọc dưới đây.

Tốt quá cũng bị nghi ngờ!

          Đang chạy xe giữa trời nắng chang chang, thầy Khanh giáo viên trường trung học cơ sở Tân An, Bình Thuận thấy hai ông bà già đang gò lưng đẩy chiếc xe máy, mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên mặt và ướt đẫm vai áo.

          Dừng lại hỏi, khi biết vì xe hết xăng, thầy có nhã ý cho hai ông bà ít xăng vì bình xăng của mình còn đầy. Vừa nghe nói thế, hai cụ giãy nảy lên: “Cám ơn chú, không cần đâu” rồi lật đật đẩy xe đi thật nhanh.

          Anh Hải là bảo vệ trường tiểu học Phước Hội ở Bình Thuận, đang chạy xe trên đường, anh bị hai ông bà cụ chạy xe ngược chiều đâm phải.

          Cả ba người cùng té sõng soài trên đường. Vốn khỏe mạnh, anh vội đứng dậy đỡ hai ông bà lên.

          Nhiều người chứng kiến nói anh cứ đi đi vì mình không có lỗi. Nhưng chưa yên tâm khi nhìn thấy bà cụ có vẻ bị đau nên anh đã chở cụ vào bệnh viện gần đó khám.

          Anh Hải còn móc túi lấy 1 triệu đồng đưa cho ông cụ nói mua sữa cho bà uống. Nhưng khi thấy anh quá nhiệt tình và tốt bụng như vậy, một số người con của hai ông bà thắc mắc: “Nếu không có lỗi, sao lại tốt như thế”? và nhất quyết không cho anh Hải đi, họ nói phải đưa bà cụ đi làm một số xét nghiệm mặc dù bác sĩ đã kết luận không việc gì.

          Ngày 20/11 hàng năm, phụ huynh thường tặng quà và phong bì cho thầy cô giáo. Một số thầy cô không nhận nhưng cũng chỉ dám lặng lẽ trả lại vì sợ để cho đồng nghiệp biết, họ lại cười vì cho rằng những hành động ấy là “ra vẻ, làm phách”.

          Một cậu bé học sinh lớp 8 trường trung học cơ sở Tân An Bình Thuận, trên đường đi học về, gặp những hòn đá nằm chắn trên đường, cậu bé dừng xe, xếp gọn những hòn đá ấy vào ven đường vì em sợ ai đó vô ý sẽ bị vấp. Thấy bạn làm, một số bạn bè cho rằng đó là hành động “khác người, không giống ai” của Lâm và biệt danh Lâm hâm hay Lâm khùng đã ra đời từ đó.

          Gia đình bà Duyên ở Quảng Thịnh, Thanh Hóa, trước đây bị phá sản khi bị lừa hết tiền, cả nhà bà về quê sống trong một túp lều nhỏ. Một buổi sáng trên đường đi chợ về, bà thấy một người đàn ông phóng xe máy rất nhanh và đánh rơi một chiếc túi du lịch to. Vừa ôm chiếc túi chạy theo xe, vừa gọi: “Anh ơi! Đồ của anh rơi nè”!

          Dù đã gọi nhiều lần người đàn ông cũng không nghe và dừng lại. Tò mò, bà mở túi ra thì hoảng hốt vì thấy rất nhiều tiền. Từ lúc đó, bà cứ ôm chặt chiếc túi trong lòng chờ người mất đi tìm để cho xin lại.

          Có 2 người đàn ông đi tới, đưa ý kiến cùng chia vì: “mình bắt được có ăn cắp đâu mà sợ. Hơn nữa họ giàu, mình nghèo mới khổ…” Nhưng bà đã cương quyết không chịu.

          Nửa tiếng sau người đàn ông đi xe máy quay lại tìm, nói sẽ hậu tạ sau và lật đật lên xe phóng thẳng. Chỉ khổ cho bà , về đến nhà khi đàn con biết chuyện, chúng xúm lại “xâu xé”, mắng mẹ thậm tệ vì tội “nghèo kiết xác còn sĩ”, “mẹ thương người ta, còn ai thương mẹ, nếu mẹ sống tốt thế, sao lại bị người khác lừa tiền…”.

          Bà gắng gượng nói: “Tao sống thế là để lại cái đức cho tụi mày” lũ con của bà lu loa rằng: “Tụi con chỉ cần tiền không cần cái đức ấy” bà đau khổ vì cô độc.

          Và còn nhiều, rất nhiều chuyện, con người ta sống tử tế bị “lên án”, bị cười chê và bị nghi ngờ. Dần dần người tử tế không dám thể hiện mình tử tế.

          Điều tốt không dám công khai, lâu dần sẽ bị lãng quên. Những việc xấu lại hiện hữu khắp nơi đến độ cái xấu nhiều quá để con người mất niềm tin và luôn sống trong nghi ngờ, đối phó lẫn nhau.

          Làm thế nào để sống tốt, sống tử tế được nhân rộng, được tôn vinh, được mọi người đồng tình ủng hộ? Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần thay đổi cách sống, cách nghĩ, luôn có niềm tin vào mọi người. Người lớn có sống tốt, sống tử tế, con trẻ mới học tập và noi theo.

          Trẻ nhỏ thường nhạy cảm và luôn bắt chước. Một người mẹ điêu ngoa, gian dối người con sẽ ít sống thật thà trung thực. người mẹ luôn bạc đãi người thân, người con cũng không có tình cảm tốt, người mẹ sống ích kỉ, những người con cũng không đại lượng…

          Sống tử tế không khó, hãy tập làm người tử tế từ những điều nhỏ nhất như biết dành lời hỏi thăm, an ủi, động viên khi thấy mọi người xung quanh gặp bất trắc.

          Nhịn một bữa ăn sáng để giúp đỡ một người đang gặp khó khăn, biết cám ơn khi mình được giúp đỡ hay biết nói lời xin lỗi khi làm phiền người khác…mình cứ cho đi, sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.

Phan Tuyết

Theo Giáo dục Việt Nam

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​