Học sinh sử dụng điện thoại: Quan trọng là cách kiểm soát


(Chinhphu.vn) – Nhiều trường sẽ giao quyền cho giáo viên quyết định việc học sinh có được dùng điện thoại trên lớp hay không, phụ thuộc vào từng tiết học, từng môn học và nhu cầu của môn học đó.

Ảnh minh hoạ

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại trong lớp. Quy định này đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận.

Quy định này nằm trong Điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, quy định về những hành vi học sinh không được làm, trong đó nêu rõ học sinh không được “sử dụng điện thoại và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định cũ trước đây là cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Giải thích về vấn đề quản lý việc sử dụng điện thoại đối với học sinh trong trường học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh quy định của Bộ GD&ĐT là học sinh không được sử dụng điện thoại và các thiết bị khác khi đang học ở trên lớp mà không phục vụ cho việc học và không được sự cho phép của giáo viên.

Như vậy, học sinh sẽ không được sử dụng điện thoại khi không được giáo viên cho phép. Giáo viên sẽ quyết định việc học sinh sử dụng hay không.

Không thể phủ nhận lợi ích của điện thoại thông minh với xã hội hiện nay. Điện thoại bây giờ không không chỉ là nghe gọi mà còn là nơi cung cấp kho tàng kiến thức bằng việc kết nối Internet, 4G. Bởi vậy không sai khi nói rằng điện thoại di động phải được cho là một công cụ giáo dục.

Với điện thoại thông minh, học sinh ngày nay có khả năng tiếp cận rất nhiều nguồn kiến thức khác nhau bổ sung cho kiến thức mà giáo viên và sách giáo khoa cung cấp. Điện thoại còn là công cụ duy trì mối liên hệ giữa phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, nếu không được quản lý tốt, điện thoại thông minh cũng mang đến một số nguy cơ ảnh hưởng tới học sinh như: Nghiện game, bị ảnh hưởng bởi các nội dung xấu trên mạng xã hội, giảm thị lực…

Cũng cần phải làm rõ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT “bỏ quy định cấm dùng điện thoại trên lớp” mà cho phép các trường tự ra các quy định. Chính vì vậy, các trường có thể tự đưa ra những nội quy riêng để kiểm soát việc này.

Trường THCS-THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nhiều năm nay vẫn yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết rõ ràng về việc nếu học sinh và gia đình có nhu cầu cho con dùng điện thoại di động thì chỉ được sử dụng trước 7h45 và sau 16h. Nghĩa là chỉ được sử dụng ngoài giờ học trên lớp.

Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho học sinh mang điện thoại đến trường nhưng đầu giờ học bắt buộc phải để chế độ im lặng và nộp điện thoại. Chỉ đến cuối giờ, trước khi ra về học sinh mới được cầm điện thoại. Ngay cả giờ ra chơi học sinh cũng không được dùng điện thoại. Học sinh nào sử dụng điện thoại sẽ bị giáo viên tịch thu có thời hạn và trả về cho phụ huynh.

Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) đã cho học sinh mang điện thoại vào lớp hai năm nay nhưng cũng có quy định hết sức rõ ràng về việc này. Nếu học sinh lấy điện thoại ra trong khi giáo viên không yêu cầu thì sẽ bị thu điện thoại và hạ bậc hạnh kiểm. Giáo viên đứng lớp cũng bị trừ điểm thi đua do không quản lý tốt lớp học.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Hiệu trưởng trường THPT Mộc Lỵ (Mộc Châu, Sơn La), thầy giáo Nguyễn Minh Hải cho biết trường THPT Mộc Lỵ sẽ ra một quy chế riêng cho việc sử dụng điện thoại của học sinh. Trong đó có quy định rõ sẽ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như thế nào, sử dụng điện thoại phục vụ mục đích học tập trên lớp như thế nào…

“Thời đại công nghệ 4.0, việc tra cứu tài liệu phục vụ cho việc học là không thể thiếu. Quan trọng là chúng ta quản lý thế nào. Giáo viên phải quản lý được học sinh không được nghịch điện thoại, không được làm việc riêng, khi nào được phép của giáo viên mới được mang ra để tra cứu tài liệu”, thấy Nguyễn Minh Hải nói.

Nghĩa là trường THPT Mộc Lỵ giao quyền cho giáo viên quyết định việc học sinh có được dùng điện thoại trên lớp hay không, phụ thuộc vào từng tiết học, từng môn học và nhu cầu của môn học đó. Khi không cần thiết học sinh không được phép mang điện thoại ra dùng, tránh trường hợp truy cập mạng, chơi game trong giờ học.

Ngoài những cam kết về bảo đảm an toàn, không sử dụng giao thông, ma túy, cam kết về việc sử dụng điện thoại đối với trường THPT Mộc Lỵ, thầy Nguyễn Minh Hải khẳng định sẽ phải có quy chế chặt chẽ và phù hợp nhất.

Còn ý kiến của các phụ huynh thì sao? Chị Nguyễn Đài Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng đây là quyết định phù hợp với xu thế của thời hiện đại, chúng ta không thể cái gì không quản được thì cấm, phải tạo điều kiện cho học sinh sử dụng phương tiện hiện đại, đặc biệt là việc truy cập mạng.

“Cá nhân tôi không cấm con dùng điện thoại nhưng tôi muốn con biết cách dùng điện thoại hợp lý. Với việc đồng ý cho các con dùng điện thoại, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên biên soạn tài liệu hướng dẫn học sinh các kỹ năng sử dụng điện thoại khi còn ngồi trên ghế nhà trường để cung cấp cho các con những thông tin hữu ích, đồng thời cảnh báo về những nguy hại nếu các con dùng điện thoại quá nhiều”, chị Trang chia sẻ.

Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng để giúp học trò có kỹ năng dùng điện thoại khai thác kiến thức, đồng thời giải tỏa băn khoăn của giáo viên, phụ huynh và học sinh, Bộ GD&ĐT nên hướng dẫn thực hiện việc này một cách thống nhất. Nên xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong khi đến trường, nếu cho các em dùng điện thoại, cần tuân thủ một số quy định, học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, để các em hình thành thói quen chấp hành tốt nội quy từ việc sử dụng đồ dùng cá nhân của chính mình.

 Theo Nhật Nam

http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-Quan-trong-la-cach-kiem-soat/408612.vgp

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h
  • Kể từ khi to tiếng quát HLV Mikel Arteta "khiêm tốn" ở trận hòa Arsenal hồi tháng Chín, tiền đạo Man City Erling Haaland đánh mất độ nhạy bén trước khung thành.

  • Novak Djokovic bổ nhiệm kình địch một thời Andy Murray vào ban huấn luyện, trong nỗ lực chinh phục thêm Grand Slam mùa 2025.

  • Khuya 24/11, nước lũ từ thượng nguồn sông Hương đổ về tràn qua Đập Đá, nhiều nhà dân dọc sông Hương, sông Như Ý bị ngập.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​