Giáo viên làm gì khi học sinh dùng điện thoại trong lớp?


Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32 Điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Điều này đang gây tranh cãi trong cả giáo viên và phụ huynh

Hiện nay, đa số trường phổ thông đều cấm tuyệt đối học sinh (HS) sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, dưới góc độ một giáo viên (GV) dạy bậc THPT, tôi cho rằng quan điểm cấm sử dụng điện thoại trong giờ học cần phải được đánh giá khách quan.

Cần khai thác thế mạnh của internet

Việc cấm sử dụng điện thoại thông minh chắc chắn sẽ hạn chế HS tiếp cận tri thức phong phú từ internet. Trong giờ học, HS sẽ trải nghiệm nhiều tình huống trong giờ học và cần được giải mã ngay. Tình huống mới này không thể được giải quyết khi ở nhà. Nếu không có kết nối với tri thức "bách khoa toàn thư" trên mạng thì sẽ kìm hãm tính sáng tạo, chủ động tìm tòi của lứa tuổi học trò.

Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin đang rất phát triển, tại sao lại để HS trượt ra khỏi không gian mở? Người thầy cũng phải sử dụng internet để chuẩn bị tài liệu, bài giảng, thậm chí GV có thể tra cứu ngay trong giờ dạy thì tại sao lại cấm HS sử dụng điện thoại trên lớp? Người thầy trong thời đại 4.0 phải nắm bắt kịp thời các sự kiện đang diễn ra trên thế giới liên quan đến bộ môn và tri thức chuyên ngành. Thông tin liên quan đến bài học có tính thời sự, nóng hổi thì sẽ tác động mạnh đến HS. 

Ví dụ, khi dạy nghị luận xã hội, GV đang cùng HS thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống con người. Nếu GV cập nhật ngay những sự kiện đang xảy ra trên thế giới như cháy rừng ở khu vực nào, hạn hán, lũ quét ở đâu... thì sẽ tác động mạnh mẽ tới thái độ, nhận thức, quan điểm của HS về vấn đề đang bàn luận. GV sẽ đặt câu hỏi liên quan để HS tự tìm hiểu từ internet về sự kiện đang diễn ra mà thầy - trò đang bàn bạc. Như vậy, các tình huống liên quan đến thực tiễn đã được giải quyết ngay trong giờ học một cách linh hoạt, hiệu quả.

Học sinh sử dụng điện thoại phải đúng mục đích và được sự cho phép của giáo viên Ảnh: NGUYỄN THUẬN

Bên cạnh đó, giáo dục đang khuyến khích việc kết nối thông tin, khả năng vận dụng kiến thức từ đời sống vào bài học và qua đó, HS có thể vận dụng trở lại những tri thức đó vào tình huống mới trong thực tế. Việc sử dụng internet sẽ giúp HS cập nhật được thông tin cụ thể, cần thiết vào trong giờ học. Đặc biệt, trong hoạt động thảo luận nhóm, GV nêu chủ đề và HS có thể tra cứu từ Google, từ đó hình thành cách hiểu riêng của cá nhân và nhóm trong thảo luận.

Trong thực tế giảng dạy, khi HS tra cứu thông tin trên mạng thì những hiểu biết đúng chiếm tỉ lệ cao hơn so với HS phải tự mình phán đoán hoặc tiếp nhận kiến thức một cách thụ động từ GV. Chẳng hạn, trong bài đọc văn "Chiến thắng Mtao-Mxây" (trích sử thi Đam San), GV phải giảng giải cho HS về tục chuê nuê (tục nối dây) của người Ê Đê, một luật tục của xã hội mẫu quyền. Trong khi sách giáo khoa chỉ giải thích đơn giản và HS không được đọc trọn vẹn tác phẩm dẫn đến việc HS không hiểu rõ mối liên quan của tập tục này đối với nhân vật. Ở tình huống này, GV có thể cho HS vào internet để đọc thêm đoạn văn trước đoạn trích, tìm hiểu về tục nối dây, từ đó HS sẽ có những hiểu biết cụ thể về hình tượng người anh hùng Đam San với phẩm chất nổi bật là lòng dũng cảm (dám chống lại luật tục nối dây)...

Năng lực quản lý lớp học của giáo viên

Vấn đề nhiều người lo lắng là làm sao quản lý HS sử dụng điện thoại với lớp học trên 40 HS. GV thường lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn khi cho phép HS dùng điện thoại như chơi game, nghe nhạc, lướt Facebook, chat... gây sao nhãng, lơ là trong giờ học. Do vậy, đa phần GV ủng hộ quan điểm cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học.

Tuy nhiên, việc cho phép sử dụng điện thoại liên quan đến năng lực quản lý lớp học của GV. Để HS sử dụng sai mục đích là lỗi của GV. Người thầy lúc này cần phải tổ chức các hoạt động học để HS tiếp nhận, kết nối thông tin, tri thức và định hướng nội dung truy cập để HS không thụ động trong giờ học.

GV cần có năng lực quan sát, điều khiển lớp học thì mới cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học được. Nếu các em sử dụng sai mục đích thì GV phải phát hiện và điều chỉnh ngay. Như vậy, GV đang dạy HS cách học chủ động, tự giác trong tiếp nhận kiến thức và quản lý bản thân trong giờ học. GV cũng hình thành cho người học kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin để vận dụng vào việc học. Từ đó, hình thành kỹ năng tự học và tự học suốt đời.

Thông tư 32 nhấn mạnh HS chỉ được sử dụng điện thoại khi GV cho phép. Nghĩa là không phải bất cứ giờ học nào HS cũng cần phải dùng điện thoại mà việc này phải đáp ứng mục tiêu bài học, môn học. Vấn đề này đòi hỏi GV phải có những chỉ dẫn cụ thể về cách thức, phạm vi thông tin cần tra cứu để phù hợp với nội dung học.

Chương trình phổ thông mới đang hướng tới việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, hệ thống tài liệu mở. Cho nên việc sử dụng điện thoại cho mục đích học tập trên lớp là điều cần thiết và đòi hỏi cao hơn năng lực quản lý lớp học của GV. 

Phụ huynh không quá cứng nhắc

Trong việc sử dụng điện thoại thông minh theo xu hướng tích cực thì vai trò định hướng và quản lý HS tại nhà là rất quan trọng. Phụ huynh không quá cứng nhắc trong việc cấm con sử dụng điện thoại mà phải tìm hiểu, kiểm soát con đang sử dụng điện thoại với mục đích gì. Phụ huynh cũng cần đưa ra những nguyên tắc sử dụng điện thoại đối với con để cha mẹ hiểu con hơn và có thể hỗ trợ con trong việc sử dụng điện thoại cho học tập và giải trí.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hiền (giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ - TP HCM)

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-vien-lam-gi-khi-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-20200919205030947.htm

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​